Đó là ông Bùi Thế Súy, sinh năm 1944, ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh). Trên cương vị tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, ông đã giúp đỡ các thành viên có điều kiện vay vốn lập nghiệp. Ông còn được mọi người biết đến với mô hình kinh tế VAC cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Ông Bùi Thế Súy |
Ông Bùi Thế Súy cho biết: Năm 1985, tôi đưa vợ con từ Thanh Hóa về huyện Sông Hinh lập nghiệp. Dắt díu tới 8 người con mà trong túi lúc đó chỉ có 3.600 đồng. Tôi nhớ thời điểm đó 1.000 đồng mua được 10 lon gạo, cả nhà ăn một bữa ngót bụng cũng hết 5 lon rồi. Ngay khi dựng xong túp lều nhỏ, tôi đi tìm việc làm, từ chặt mía thuê cho đồng bào đến đào đất, dọn vệ sinh… tất tần tật cứ ai thuê làm gì là làm đó. Đến năm 1995, có được ít vốn, tôi mua 2ha đất rẫy làm nông nghiệp. Từ đây, tôi bắt đầu xây dựng mô hình làm kinh tế trang trại cho gia đình. Hiện gia đình tôi có 2 hồ thả cá, làm chuồng trại nuôi 6 con bò, gà vịt và trồng chuối cùng các loại rau màu khác. Mùa nào thức ấy, nhà tôi luôn có cá tươi, rau tươi để bán ở chợ Hai Riêng; còn chuối, cá có thương lái tới tận nhà thu mua. Hiện các con tôi đã lớn, có gia đình riêng, còn vợ chồng tôi mỗi năm có tổng thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Trong quá trình làm kinh tế, ông Súy hiểu được giá trị của đồng vốn nên khi làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, ông luôn tạo điều kiện cho những hộ nghèo được vay vốn làm ăn. Ông Bùi Thế Súy cho biết thêm: Hiện thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn do tôi làm tổ trưởng, 40 hộ nghèo đã được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sông Hinh cho vay với tổng số tiền 1,4 tỉ đồng để đầu tư vào sản xuất và phát triển chăn nuôi. Sau khi động viên hộ nghèo vay vốn làm kinh tế, tôi cùng với anh em trong tổ thường xuyên hướng dẫn những hộ này cách làm ăn, chỉ ra những mô hình hiệu quả để họ học hỏi, cũng như giới thiệu mối để các hộ này tiêu thụ sản phẩm.
Theo bà Bùi Thị Trúc ở khu phố Ngô Quyền thì vài năm trước, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo. Bà muốn làm kinh tế nhưng không có vốn, mà làm thuê thì chỉ đủ cơm ăn áo mặc hàng ngày. Rồi bà được ông Bùi Thế Súy gợi ý mua bê về nuôi. “Năm 2003, tôi vay 3 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, cộng với 3 triệu đồng của gia đình, mua một con bê. Đến nay, tôi phát triển thành đàn bò vỗ béo với hơn 10 con. Từ đây, tôi có tiền xây nhà khang trang, tái đầu tư phát triển sản xuất và thoát nghèo”, bà Trúc nói.
Còn ông Lê Văn Mười, một hộ cận nghèo, cũng nhờ được ông Súy tạo điều kiện giúp đỡ vay ngân hàng 30 triệu đồng để làm ăn mà hiện nay, gia đình ông đã có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Theo ông Lê Văn Mười, nhà ông có hơn 2ha đất sản xuất nhưng không có vốn nên chỉ quanh quẩn trồng lúa nước, thu nhập không cao. Nhờ được vay 30 triệu đồng, ông đã đầu tư trồng cà phê, cao su, chỉ để lại 5 sào trồng lúa đủ cho cả nhà ăn quanh năm. Cây công nghiệp cho thu nhập cao hơn gấp 10 lần trồng lúa, nên đời sống gia đình ông Mười khá giả hẳn.
Ông KSor Y Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Hinh, cho biết: Vượt khó vươn lên, ông Bùi Thế Súy đã lo được cho gia đình mình có đời sống kinh tế khá giả. Không những thế, ông còn giúp những hộ nghèo khác tiếp cận vốn vay để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ông được bà con trong khu phố tin yêu bầu làm khu phố phó của khu phố Ngô Quyền. Những cá nhân như ông Súy cần được nhân rộng trong Hội để những nông dân khác học theo.
HẢI PHONG