Tổng cục Thống kê vừa cho biết, số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 7 tháng qua của năm nay trên cả nước là 16.706 doanh nghiệp, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 7 tháng là 6.422 doanh nghiệp, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian này là 36.206 doanh nghiệp, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước.
7 tháng năm nay, cả nước có 64.122 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 497 nghìn tỉ đồng, tăng 23,3% về số doanh nghiệp và tăng 54,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,7 tỉ đồng, tăng 25,4%. Bên cạnh đó, còn có 894,9 nghìn tỉ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn, nâng tổng số vốn đăng ký và bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2016 đạt 1391,9 nghìn tỉ đồng.
Tính riêng tháng 7, cả nước có 9.621 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 69,2 nghìn tỉ đồng, giảm 1,4% về số doanh nghiệp và giảm 11,6% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Trong đó, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,2 tỉ đồng, giảm 10,3%; tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 99,2 nghìn người, giảm 12,3%.
So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 tăng 45,8%, số vốn đăng ký tăng 78%; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tăng 22,1%. Trong tháng, cả nước có 1.804 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 5,2% so với tháng trước và có 5.933 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động
Để nâng cao hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ KH-ĐT cho rằng, trong những tháng cuối năm, các ngành, địa phương cần thực hiện mạnh mẽ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý chuyên ngành cũng cần nghiên cứu áp dụng phương pháp quản lý rủi ro và điện tử hóa thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành để giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; tăng cường kết nối trực tuyến giữa các bộ, giữa các bộ với các địa phương…
Theo TTXVN, Vietnam+