Sau khi các “giấy phép con” được bãi bỏ, dịch vụ photocopy ở Phú Yên phát triển rất mạnh. Không những tung ra nhiều chiêu thức cạnh tranh, trong đó có không ít những “chiêu” tiêu cực, nhưng tiệm photocopy còn vi phạm trong việc sao chụp trái phép những ấn phẩm. Trong khi đó, việc quản lý lại gặp nhiều khó khăn.
CẠNH TRANH BẰNG NHIỀU “CHIÊU”
Cách đây chừng 10 năm, các cơ sở photocopy ở TP Tuy Hoà còn ít và nơi nào cũng đều có một lượng đông khách hàng. Giá một tờ giấy photocopy 2 mặt là 300 – 400đ/tờ. Các điểm photo gần các trường học ăn nên làm ra nhờ photo sách, tài liệu học tập. Đến mùa thi, một số điểm còn mang cả máy đến gần cổng trường phục vụ. Từ năm 2000, giấy phép con trong kinh doanh được bãi bỏ nên việc đăng ký hành nghề dịch vụ photo trở nên thông thoáng hơn. Chính vì thế, các điểm photocopy ở TP Tuy Hoà xuất hiện ngày càng nhiều và cạnh tranh nhau ngày càng gay gắt. Một chủ tiệm photo cho biết: “Làm nghề này phải tính từng đồng lẻ chứ nếu sai là lỗ ngay. Mức giá hiện nay có lẽ không thể thấp hơn được nữa rồi vì chỉ nhờ số nhiều chứ ít thì không đủ chi phí, trong khi đó, giấy, mực, điện tiền công … đều tăng”.
Dịch vụ photocopy ngày càng xuất hiện nhiều ở Tp Tuy Hòa - Ảnh: Minh Nguyệt
Để giành khách, các cơ sở đã tung ra khá nhiều “chiêu”. Nhiều nơi biết sẽ không thể đáp ứng nhu cầu của khách về thời gian nhưng vẫn cứ nhận bừa rồi sau đó… cười trừ “Lỡ rồi, thông cảm cho”. Có nơi “phát giá” bằng cách dán thông báo giá photo chỉ 100đ/tờ, tất nhiên nhiều khách hàng phải “ngậm đắng” vì đó là giá quảng cáo photocopy một mặt, còn nếu hai mặt thì vẫn 150 đồng/tờ như thường. Chưa hết nhiều khách hàng ham rẻ sau đó phải… nếu vì một số nơi dùng các máy đời cũ, đầu tư ít vốn; tất nhiên là chất lượng thành phẩm rất tệ như chữ mất nét, có khi có vệt đen chạy dài trên giấy hoặc tờ photo lem luốc rất buồn cười.
PHOTOCOPY SÁCH – CẤM NHƯNG KHÔNG NGĂN ĐƯỢC
Hầu hết các cơ sở photocopy ở TP Tuy Hoà đều cho biết: “Photo sách là một trong những điều cấm của Nhà nước mà khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh ai cũng biết. Thế nhưng, nó cũng là một nhu cầu thực tế của khách hàng và cũng là nguồn sống của chúng tôi”. Các loại sách quý đã xuất bản từ lâu hoặc tại địa phương không thấy bán thì người ta mang đến tiệm photocopy. Giáo trình, tài liệu học tập… là thứ mà giới học sinh, sinh viên luôn mang đến hiệu photocopy. Một phụ huynh học sinh cho chúng tôi biết: “Sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành cho học sinh lớp cải cách như lớp 5 và lớp 9 hiện nay với một lượng cầm chừng. Vì thế, phụ huynh chúng tôi cần phải photo để có sách cho con học”.
Còn nhớ trước đây, photocopy là một trong các ngành kinh doanh đặc biệt được ngành Công an quản lý chặt chẽ nên việc photo sách đôi khi còn lén lút. Còn giờ đây, sách photocopy được bày bán công khai. Vào mùa thi, một số điểm còn photocopy tài liệu nhỏ đến mức bỏ lọt trong bàn tay để các thí sinh dễ dàng mang vào phòng thi và che mắt được các giám thị. Những năm gần đây, Phòng Văn hoá - Thông tin TP Tuy Hòa thường xuyên mời các chủ cơ sở photocopy họp và quán triệt ráo riết việc này nên tình hình có giảm.
Ông Nguyễn Trọng Tâm, Chánh Thanh tra Sở Văn hoá - Thông tin Phú Yên cho biết: “Đoàn kiểm tra liên ngành 814 tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra ngăn chặn các hiện tượng như photocopy tài liệu mật, tuyên truyền bói toán, tài liệu chuyên ngành … Nhưng khó khăn là phải bắt quả tang với đầy đủ chứng cứ thì mới xử lý được. Phải chăng chính điều đó khiến tình trạng “photocopy lậu” vẫn tràn lan? Trong dịp tết vừa qua, những quyển tử vi, bói toán... photocopy vẫn tràn ngập ngoài chợ. Thỉnh thoảng, các mảnh giấy có nội dung tuyên truyền không lành mạnh vẫn được chuyền tay nhau như: “Khi nhận được giấy này, bạn hãy photocopy ra thành nhiều bản và gửi đi để được … nếu không gửi sẽ bị …”.
Tuy nhiên, chị --- Nở, chủ cơ sở photo Tín Nhã quả quyết rằng: “Cơ sở chúng tôi nhất định từ chối photo các tài liệu có nội dung không lành mạnh và tài liệu thu nhỏ cho học sinh. Chấp hành chủ trương của Nhà nước một phần, phần khác, điều chỉnh cỡ chữ như thế ảnh hưởng xấu đến thiết bị máy móc”. Thế nhưng, số tiệm photocopy làm ăn chân chính như thế không nhiều.
MINH NGUYỆT