Thứ Hai, 30/09/2024 00:30 SA
Kinh tế biển Phú Yên:
Tăng trưởng cao, ổn định và bền vững
Thứ Năm, 30/08/2007 07:00 SA

Thực hiện Nghị quyết 05/TU của Tỉnh ủy Phú Yên về phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, ngành thủy sản và các địa phương đã tích cực đầu tư toàn diện về nuôi trồng và khai thác thủy sản. Nổi bật nhất là ngư dân đã đầu tư “đội tàu” có công suất lớn vươn khơi xa đạt hiệu quả; đồng thời thực hiện chương trình “Lấy nuôi trồng để khai thác” với sản lượng, giá trị xuất khẩu tương đối cao. Nhờ vậy, đời sống kinh tế dân cư vùng ven biển được nâng lên rõ rệt, góp phần giải quyết việc làm cho 5,9 vạn lao động, tạo động lực cho bước đột phá phát triển thủy sản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn ở Phú Yên.

 

HÌNH THÀNH CÁC VÙNG CHUYÊN CANH NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

 

070828-ca-ngu-dai-duong-1.jpg

Câu cá ngừ đại dương - một nghề đã giúp nhiều ngư dân Phú Yên thoát nghèo, vươn lên làm giàu.- Ảnh: N.LƯU

 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Thu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thủy sản (NCTS) III Nha Trang, nhận định: “Phú Yên có nhiều ao hồ, đầm, vịnh, gành, bãi biển với môi trường thích hợp cho việc nuôi trồng nhiều loại thủy sản có giá trị”. Thực tế, Phú Yên đã khai thác được lợi thế về tiềm năng để phát triển nhanh theo chiều rộng và hình thành các vùng tập trung chuyên canh nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở Cù Mông, Ô Loan, Xuân Đài, Bình Bá, hạ lưu sông Bàn Thạch… với diện tích thả nuôi tăng bình quân 2%/năm. NTTS nước ngọt cũng đã phát triển trên 200 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Phú Hòa, Sông Hinh… Giám đốc Sở Thủy sản Phú Yên Võ Châu cho biết: Mặc dù phong trào nuôi tôm sú giảm do dịch bệnh, nhưng nghề nuôi các đối tượng thủy sản khác như tôm hùm lồng, cá mú, ốc hương, ghẹ lột, cá bốp, cá giò, cua, cá bống, cá măng… có nhiều chuyển biến tích cực. Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp, tư nhân với 100% vốn nước ngoài đã đầu tư NTTS ở ven biển trong tỉnh, như Hiệp hội NTTS Đài Loan đã xây dựng dự án tại thôn Tân Thạnh, xã Xuân Thọ 2 (huyện Sông Cầu) để nuôi các loại cá, sản xuất giống và thu mua, chế biến hải sản; tư vấn và đào tạo kỹ thuật NTTS cho ngư dân. Công ty TNHH Asia Hawaii Ventures (Hoa Kỳ) chuyên sản xuất tôm thẻ chân trắng ở vùng cao triều xã Hòa Hiệp Bắc (Đông Hòa), cung ứng nguồn giống với số lượng lớn cho người nuôi trong tỉnh. Một doanh nghiệp của Nga cũng đã phát triển nuôi 70.000 con cá bốp ở Lao Mái Nhà (Tuy An)… Ngành thủy sản cũng đang thực hiện dự án xây dựng 2 khu sản xuất giống thủy đặc sản Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa) và Xuân Hải (huyện Sông Cầu)… Đây là cơ hội để người dân có điều kiện học tập, áp dụng nuôi thủy sản đạt hiệu quả và bền vững.

 

ĐỘT PHÁ KHAI THÁC VÀ CHẾ BIẾN THỦY SẢN

 

Nghề khai thác thủy sản tăng trưởng mạnh cả về năng lực sản xuất và sản lượng đánh bắt. Chỉ tính riêng trong 3 năm 2004 - 2006, ngư dân Phú Yên đã đóng mới và cải hoán hơn 500 chiếc tàu có công suất trên 90CV, nâng đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ của tỉnh lên khoảng 900 tàu. So với năm 1990, số tàu thuyền năm 2007 tăng hơn gấp đôi, công suất tăng lên gấp 5 lần và sản lượng tăng hơn 150%. Có tàu to, thuyền lớn ngư dân vươn khơi khai thác ở nhiều ngư trường rộng lớn, với đa dạng ngành nghề như lưới rê, lưới vây, lưới mành kết hợp ánh sáng, pha xúc, lưới trủ, câu khơi…, nên sản lượng khai thác thủy sản hàng năm luôn tăng cao. Đặc biệt, nghề đánh bắt cá nổi, cá ngừ đại dương (cá vây vàng Yellowfin tuna, cá mắt to Big-eye tuna) đã góp phần phát triển nghề khai thác khơi, nhờ vậy tàu thuyền nhỏ khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản ven biển giảm mạnh. “Đội” tàu câu cá ngừ ở Phú Yên hiện đã tăng lên gần 900 chiếc với sản lượng khai thác đạt trên dưới 5.000 tấn/năm. Hiện nay,  các làng biển Phú Câu (phường 6), Đông Tác (phường Phú Lâm), Tiên Châu (Tuy An) đều có tên gọi chung là “làng cá ngừ…”. Vàø thương hiệu “Cá ngừ Phú Yên” đã xuất hiện đều đặn trên thương trường Mỹ, Nhật, Hồng Kông... Chuyển biến trong khai thác khơi đã và đang tạo ra nhiều công ăn, việc làm, tăng thu nhập và làm thay đổi nhiều mặt ở các làng xã ven biển.

 

070828-tom.jpg

Phú Yên đang khôi phục và phát triển thế mạnh nuôi tôm sú ở hạ lưu sông Bàn Thạch - Ảnh: N.LƯU

 

Nhờ nguồn nguyên liệu thủy sản dồi dào, các đơn vị, cá nhân đầu tư mạnh vào chế biến thủy sản xuất khẩu, nâng giá trị sản xuất công nghiệp thủy sản hàng năm tăng 60,8%, gấp 2,8 lần so với tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp. Hiện đã có hơn 10 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với tổng công suất 16 tấn thành phẩm/ngày, tạo việc làm cho 1.250 lao động và giá trị xuất khẩu đã đạt 7 triệu USD/năm. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình đã chế biến nhiều đặc sản có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu cao như: vi cước cá, da cá, bong bóng cá và nhiều mặt hàng khác như cá khô, nước mắm… góp phần tăng giá trị sản phẩm sau thu hoạch.

 

Để thực hiện Chương trình hành động số 14-CTr/TU ngày 28/4/2007 của Tỉnh ủy Phú Yên thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH TW về chiến lược biển Việt Nam đến 2020, ngành thủy sản tiếp tục tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, quản lý quy hoạch và phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản. Ngành thủy sản tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư mạnh vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thủy sản… Với phương châm “Lấy nuôi trồng để khai thác”, ngành đầu tư mạnh NTTS theo hướng thâm canh đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lợi ích kinh tế – xã hội toàn cục, nhằm đạt hiệu quả cao, ổn định, bền vững và lâu dài. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng về  quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm; hình thành các trung tâm sản xuất để tổ chức sản xuất sản phẩm sạch, giống sạch, xây dựng vùng nuôi an toàn (CoC), thực hiện quy phạm thực hành NTTS tốt (GAP)… Tăng cường công tác khuyến ngư, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào khai thác có hiệu quả, nhằm đưa tổng sản lượng thủy sản đạt trên 70.000 tấn vào năm 2020 (trong đó có 50% sản lượng nuôi trồng). Ngành khuyến khích ngư dân đóng tàu lớn khai thác xa bờ, nhất là câu cá ngừ đại dương xuất khẩu; phát triển nghề chế biến hải sản truyền thống và tạo nghề mới như chế biến đồ hộp, surimi cá… Mở rộng quy mô bến, cảng cá, nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến thủy sản nhằm phù hợp với thị trường xuất khẩu mới EU và Mỹ…

 

Hiệu quả từ NTTS đã làm tăng sản lượng thủy sản xuất khẩu và nguồn lợi kinh tế khá cao. Nếu như năm 2000 tổng sản lượng NTTS toàn tỉnh chỉ đạt 2.628 tấn, thì đến năm 2005 đạt 3.856 tấn (giá trị 312 tỉ đồng), tăng 46,7% và năm 2006 đạt trên 4.000 tấn. Đặc biệt, nuôi tôm hùm trong năm 2006 đạt khoảng 16.000 lồng, với sản lượng xuất khẩu đạt 750 tấn/năm, tăng 128 tấn so với năm trước. Nhiều người dân vốn nghèo đã trở thành triệu phú nuôi tôm như các ông Nguyễn Xuân Danh, Nguyễn Văn Tới ở xã Xuân Thịnh, Trương Văn Lang ở thị trấn Sông Cầu, huyện Sông Cầu; ông Đỗ Năm ở phường 6, TP Tuy Hòa… Giá trị xuất khẩu thủy sản trong giai đoạn 2001 – 2005 đạt trên 40,5 triệu USD. Đa số ngư dân chuyên nghề NTTS ở vùng nước mặn, lợ đều có thu nhập khá.

 

LƯU PHONG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek