Thứ Ba, 26/11/2024 22:44 CH
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất:
Giúp nâng cao chất lượng sản phẩm
Thứ Hai, 20/06/2016 07:20 SA

Nông dân huyện Đồng Xuân ứng dụng tiến bộ khoa học vào trồng đậu phộng cho năng suất cao - Ảnh: T.TIÊN

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Phú Yên đã tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân nâng cao hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi để tăng thu nhập.

 

Theo Sở NN-PTNT, 10 năm qua, sở đã phối hợp cùng các địa phương, ban ngành và Hội Nông dân các cấp tổ chức khoảng 20.000 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ở nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, bảo quản chế biến nông sản… cho hơn 1,5 triệu lượt nông dân.

HIỆU QUẢ TÍCH CỰC

 

Theo Sở NN-PTNT, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được triển khai hàng năm, tập trung vào các lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; kỹ thuật nuôi trồng, phòng ngừa dịch bệnh; công nghệ thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch và chế biến nông, lâm, thủy sản… Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng Phòng Quản lý khoa học - môi trường và hợp tác phát triển (Sở NN-PTNT), cho biết: Thời gian qua, sở đã áp dụng các tiến bộ trong thâm canh cây trồng, xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình gieo sạ lúa bằng máy sạ hàng với hơn 1.500 nông cụ trên địa bàn tỉnh, phục vụ gieo sạ khi vào mùa cho hơn 15.000ha lúa/vụ. Ngành cũng đã triển khai hiệu quả chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, ứng dụng sản xuất lúa trên 50% diện tích lúa (khoảng 18.000ha/vụ) của tỉnh, giúp nông dân nâng cao hiệu quả canh tác.

 

Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã giúp ích rất nhiều cho người dân. Ông Bùi Văn Đỉnh ở xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), cho biết: Gia đình tôi áp dụng mô hình 3 giảm 3 tăng vào canh tác 4 sào ruộng. Phương pháp sạ hàng, sạ thưa trong mô hình này giúp giảm được 1/3 lượng giống gieo sạ, hạn chế tối đa lượng thuốc trừ sâu và phân đạm nên chúng tôi tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất. Không những vậy, năng suất lúa còn tăng cao (bình quân khoảng 350kg/sào, cao hơn lúc trước 70kg/sào), chất lượng gạo cũng tăng, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

 

Trên lĩnh vực chăn nuôi, nhiều mô hình hiệu quả cũng được triển khai đến người nông dân như: nuôi vịt sinh sản an toàn sinh học, phát triển bò lai, nuôi bò vỗ béo, nuôi heo thâm canh, nuôi heo sinh sản hướng nạc… Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (Sở NN-PTNT), mô hình nuôi vịt sinh sản an toàn sinh học với giống vịt chuyên trứng Khakicampbel do trung tâm triển khai được rất nhiều người dân lựa chọn. Theo ông Bùi Văn Hùng ở xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa), khi ông chuyển sang nuôi vịt sinh sản giống Khakicampel thì tỉ lệ vịt cho trứng đạt hơn 95%, cao hơn lúc trước từ 10-15%. Ngoài ra, đàn vịt còn được nuôi theo hướng an toàn sinh học nên tỉ lệ hao hụt giảm đáng kể, dịch bệnh cũng được hạn chế, lợi nhuận cao hơn trước khoảng 15%.

 

Thời gian qua, Sở NN-PTNT còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất lâm nghiệp và thủy sản với nhiều mô hình trồng cây phân tán, trồng keo lai vô tính, sử dụng chế phẩm trùn bù đắp sinh học để phát triển bền vững nghề nuôi tôm, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi sò huyết đầm Ô Loan… Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng cho biết: Bình quân mỗi năm, ngành Nông nghiệp triển khai từ 7-10 đề tài, dự án; phối hợp với các ngành liên quan thực hiện từ 3-4 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Nhà nước, cấp bộ. Từ những kết quả của các đề tài, dự án trên, ngành tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng vào thực tiễn, giúp người dân tiếp cận với những phương pháp sản xuất, thu hoạch tiên tiến, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

 

Nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu thu hoạch mía giúp giảm chi phí nhân công - Ảnh: T.TIÊN

 

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH

 

Theo Sở NN-PTNT, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là khâu quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp bền vững, chất lượng cao; cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch, phù hợp với hệ sinh thái. Vì vậy, thời gian tới, sở sẽ tập trung nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực bảo vệ thực vật, thú y, giảm tổn thất sau thu hoạch.

 

Ông Nguyễn Văn Phương cho hay: Chúng tôi ưu tiên phát triển mạnh hệ thống canh tác theo chuẩn VietGap, GlobalGap; nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm; chuyển giao cho nông dân các giống cây trồng chủ lực có năng suất cao. Về chăn nuôi, Sở NN-PTNT tiếp tục ứng dụng khoa học vào chế biến cũng như sử dụng hiệu quả nguồn thức ăn và nguồn phụ phẩm nông nghiệp hiện có tại địa phương để giảm giá thành sản xuất. Đồng thời, ngành cũng tập trung xây dựng vùng chăn nuôi an toàn gắn với liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, giúp bao tiêu đầu ra cho nông dân. Ngoài ra, Sở NN-PTNT còn tập trung chuyển dịch nhanh cơ cấu nghề khai thác cá ven bờ theo hướng giảm dần sản lượng và tăng giá trị sản phẩm để bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phát triển công nghệ nuôi hiện đại để hạn chế ô nhiễm môi trường.

 

Liên quan đến vấn đề này, ngư dân Nguyễn Thanh Hiệp ở phường 6 (TP Tuy Hòa), cho biết: Mỗi chuyến biển đánh bắt xa bờ của ngư dân thường kéo dài khoảng 30 ngày. Vì vậy, việc bảo quản thủy sản sau đánh bắt là rất quan trọng để giữ được chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay công nghệ bảo quản mà ngư dân áp dụng đã lạc hậu, làm suy giảm đáng kể chất lượng thủy sản, dẫn tới giá trị sản phẩm không cao. Để giúp ngư dân bám biển dài ngày, các ngành cần ưu tiên hỗ trợ ngư dân nâng cấp công nghệ bảo quản sản phẩm sau đánh bắt.

 

THỦY TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek