Qua gần 10 năm đầu tư, ông Huỳnh Ngọc Trúc (57 tuổi) đã chuyển hơn 2ha đồi đất núi đá thiếu nước khô cằn trên đỉnh dốc Bà Ền ven đường quốc lộ 1, xã An Mỹ (huyện Tuy An) thành một khu sinh thái và triển khai mô hình trồng rau sạch theo mô hình sinh học, bước đầu mang lại hiệu quả.
BIẾN ĐẤT ĐỒI THÀNH VƯỜN CÂY
Năm 1983, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Xây dựng, Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, ông Trúc về làm việc tại Công ty Xây dựng Phú Yên, Công ty Thủy nông Đồng Cam và “trụ” lâu nhất ở Công ty COSCO miền Trung, phụ trách địa bàn Phú Yên. Đến năm 2006, công ty sáp nhập về Quy Nhơn nên ông Trúc xin nghỉ việc. Ông Trúc quyết định mua khu đất hơn 2ha cách TP Tuy Hòa gần 20km để làm vườn. Xác định mua vùng đất đồi khô cằn, triền dốc, ông Trúc chấp nhận bỏ số vốn khá lớn để đầu tư.
Để chỉnh trang mảnh đất này, ông thuê máy ủi, xe đào và hàng loạt xe chuyên dụng khác về đào múc, phân cấp địa hình, làm đường dẫn, xây tường rào, đào hồ chứa nước, xây nhà, đầu tư hai giếng khoan rồi trồng cây che mát, cây ăn trái và khôi phục hàng trăm cây dúi cổ thụ. Ông Trúc đặt tên khu vườn là Lâm Viên, kinh doanh cà phê, điểm tâm được nhiều người chú ý, đánh giá cao vào thời điểm đó. Tuy nhiên, đến năm 2009, khi quốc lộ 1, đoạn qua dốc Bà Ền hạ thấp thì khu cà phê Lâm Viên nằm trên đỉnh cao, cách trở đường vào nên dần vắng khách và ông không kinh doanh cà phê nữa.
Hơn 5 năm nay, ông Trúc quyết định đầu tư trang trại trồng rau sạch. Với ông, việc làm này vừa phù hợp với tuổi tác vừa tiếp nối được nghề trồng rau truyền thống của gia đình. Dự đoán hai giếng cũ không đủ lượng nước tưới rau với diện tích rộng và cả ngày đêm trong mùa nóng nên ông đầu tư khoan thêm một giếng mới 100m, 1 máy bơm công suất lớn. Hơn nữa, vì đây là khu đất đồi nhiều đá dăm nên ông thuê xe chở đất về và thuê công san bằng. Những chỗ nhiều đá dăm, ông dồn đá lại thành bờ rồi đánh đất thành luống và tiến hành làm đất.
MÔ HÌNH RAU SẠCH
Phương châm của ông Trúc là tuyệt đối không dùng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học nên quy trình sản xuất rau sạch ở trang trại ông rất kỳ công. Với ông, người trồng rau thì nhiều nhưng đúng nghĩa trồng rau sạch thì không phải ai cũng làm được. Ông Trúc cho biết, kể cả khâu làm đất, ông cũng không dùng thuốc trừ cỏ mà dùng máy cắt rồi cày xới, thuê người nhổ sạch. Nhược điểm của cách làm này là cỏ non mọc liên tục nên tốn công nhổ cỏ. Ngoài ra, ông dùng phân bò bón cho rau. Ông ủ phân bò với mật đường và thuốc khử mùi sinh học vibem, đợi một thời gian rồi đem phân rải đều lên các luống đất đã đánh sẵn, sau đó gieo hạt và phủ lên bề mặt một lớp rơm khô để giữ độ ẩm và tưới nước cây rau không bị dập ngã.
Hiện vườn rau của ông Trúc có rất nhiều loại rau như: Xà lách, cải, lá é, tần ô, ngò, hành, mồng tơi, bồ ngót, dền, khổ qua, đậu cô ve, bí đỏ, bí chanh… Để giảm lượng sâu xâm hại rau, ông trồng dọc các luống rau hoa vạn thọ, cúc… cho ong bướm tập trung vào hoa, không tấn công vào rau. Đi liền với việc phòng sâu bệnh, ông còn tự chế tạo thuốc trừ sâu sinh học bằng cách nấu, xay nhuyễn trái bồ hòn (lấy chất đắng 15 trái/5 lít nước) pha gừng, tỏi, ớt… rồi hòa rượu trắng và nước để phun phòng đuổi sâu hại rau. Thuận lẽ tự nhiên, có phân nước và không sâu bệnh, rau trong trang trại ông phát triển tươi tốt.
Hiện nay, mỗi ngày ông Trúc thuê 5-7 lao động luân phiên làm đất ủ phân, xuống giống, làm cỏ, nhổ rau đóng thùng, còn ông đảm trách việc tưới nước và điều hành chung. Mỗi tháng, trừ chi phí nhân công, tiền đầu tư trang trại ông thu lãi từ 7-10 triệu đồng.
Ông Biện Ngọc Min, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Mỹ, cho biết: Vườn rau của ông Trúc rất kỳ công, ông đã biến đất đồi khô cằn thành một nơi có cảnh quan đẹp, trồng nhiều loại rau khác nhau. Hội Nông dân và Mặt trận xã đang phối hợp tham quan, triển khai mô hình này đến một số hộ trong xã trồng thí điểm để từng bước nhân rộng mô hình.
ĐÀO TẤN TRỰC