Thứ Sáu, 18/10/2024 10:32 SA
Chương trình 135: Linh hoạt quản lý, phát huy hiệu quả nguồn vốn
Thứ Bảy, 28/05/2016 07:56 SA

5 năm qua, nhờ các cấp chính quyền linh hoạt trong quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn Chương trình 135 mà nhiều công trình hạ tầng cơ sở phục vụ dân sinh, dân trí được xây mới và tu sửa; hàng nghìn hộ đồng bào đã được hỗ trợ công cụ sản xuất, giống cây, giống con, vật tư nông nghiệp...

 

Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, biểu diễn văn nghệ tại nhà rông văn hóa thôn Phú Hải - công trình được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135 - Ảnh: M.DUYÊN

 

CẤP XÃ LÀM CHỦ ĐẦU TƯ

 

Việc gần dân, hiểu được nhu cầu thực tế của dân đã giúp UBND cấp xã hoàn thành vai trò chủ đầu tư các hạng mục công trình thuộc Chương trình 135. Các xã đều huy động được người dân tham gia vào tất cả các khâu từ đề xuất hạng mục, góp công góp tiền xây dựng công trình đến giám sát, nghiệm thu công trình, theo tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm. Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), cho biết: Để huy động được sức dân, ngay từ khi Chương trình 135 bắt đầu triển khai, UBND xã đã tuyên truyền giải thích rõ cho người dân hiểu nên đã khắc phục được tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ hoàn toàn của Nhà nước. Nhờ vậy, trong tổng nguồn vốn 4,1 tỉ đồng xây dựng các công trình trên địa bàn xã, ngoài kinh phí của Chương trình 135, xã còn huy động hơn 300 triệu đồng từ người dân. Người dân trong xã còn tham gia gần 11.000 ngày công lao động để xây dựng các công trình trên địa bàn.

 

Chia sẻ về những nỗ lực của UBND xã trong suốt thời gian triển khai Chương trình 135, ông Lê Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh), cho biết: Được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư các công trình, UBND xã thấy được trách nhiệm trong quản lý và sử dụng đồng vốn. Ngay từ đầu, UBND xã chỉ đạo ban nhân dân các thôn tổ chức họp dân, thảo luận, công khai danh mục đầu tư; lấy ý kiến của dân và xét những công trình thiết yếu, phục vụ thực tiễn nhu cầu sinh hoạt và đáp ứng sản xuất của nhân dân thì sẽ ưu tiên làm trước. Sau đó, UBND xã chọn nhà thầu tư vấn khảo sát thực tế và lập hồ sơ báo cáo kỹ thuật trình UBND huyện phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, xã mới chọn nhà thầu thi công, thuê đơn vị giám sát và bảo hiểm công trình. Trong thời gian thi công, Ban giám sát cộng đồng, Ban quản lý Chương trình 135 của xã phối hợp với đơn vị giám sát thi công và nhân dân thường xuyên kiểm tra đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ của công trình. Cuối cùng, khi nghiệm thu công trình, bộ phận tài chính của UBND xã cùng nhà thầu hoàn tất thủ tục hồ sơ, lập chứng từ thanh toán giao dịch với Kho bạc Nhà nước huyện để nhanh chóng giải ngân vốn, không để nợ đọng kéo dài. Tất cả các khâu, UBND xã đều đảm bảo công khai, minh bạch cho nhân dân biết.

 

Ông Nay YBlung, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa (đứng giữa), cùng chính quyền xã Krông Pa kiểm tra công trình đường nội đồng buôn Khăm - Ảnh: M.DUYÊN

 

CẤP TRÊN PHỐI HỢP QUẢN LÝ

 

Một số địa phương dựa trên năng lực quản lý và trình độ của cán bộ ở từng xã mà linh hoạt trong việc giao quyền chủ đầu tư trong triển khai Chương trình 135. Ông Nay Y BLung, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) và Ban quản lý (BQL) dự án Chương trình 135 để trực tiếp làm việc với cấp xã. Vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao cho BQL dự án huyện làm chủ đầu tư, trong đó chủ tịch UBND các xã là thành viên; giao cấp xã làm chủ đầu tư nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất. Sau khi công trình hoàn thành, UBND huyện bàn giao cho xã tiếp quản sử dụng và bảo quản. Địa phương chủ trương như vậy, bởi xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở ở vùng đặc biệt khó khăn với địa hình phức tạp đòi hỏi cấp quản lý phải có chuyên môn về xây dựng, trong khi đó cán bộ cấp xã trên địa bàn huyện năng lực về lĩnh vực này còn rất hạn chế. Hơn hết, việc lựa chọn hạng mục công trình cùng với nhu cầu thực tế của người dân, còn phải xét tới quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chung của cả huyện.

 

Còn tại huyện Sông Hinh, nhờ lồng ghép nguồn vốn Chương trình 135 với các nguồn vốn khác nên đã phát huy được hiệu quả. Ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: 5 năm qua, trên địa bàn huyện Sông Hinh, 60 công trình phục vụ dân sinh như giao thông, nhà văn hóa, công trình cấp nước, giáo dục, thủy lợi, điện... được đưa vào sử dụng. Tổng kinh phí thực hiện những công trình này là 483 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn Chương trình 135 là 32,2 tỉ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác. Theo ông Định, nếu chỉ sử dụng nguồn vốn Chương trình 135 thì các công trình không đảm bảo kỹ thuật do vốn ít; nhưng khi ghép các nguồn vốn lại, số vốn tăng lên, công trình không còn manh mún ở một thôn buôn nữa mà được mở rộng ra toàn xã, toàn huyện. Từ đó tạo ra sự phát triển hài hòa giữa các vùng dân cư ở địa phương.

 

Sự linh hoạt trong quản lý và sử dụng nguồn vốn Chương trình 135 của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đã giúp nâng cao đời sống vùng đồng bào khó khăn. Trong đó, nếu cấp xã quản lý, các công trình dân sinh sẽ phát huy tính thực tế ở từng thôn, buôn. Còn cấp huyện quản lý thì giúp tăng tính hài hòa trong quy hoạch phát triển chung của địa phương, tạo tiền đề cho phát triển bền vững trong tương lai.

 

Ông Phan Hữu Đại, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek