Cùng với cả nước, Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản năm 2016 (tổng điều tra) sẽ được tiến hành đồng loạt trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/7 tới. Trao đổi với Báo Phú Yên về ý nghĩa của cuộc tổng điều tra lần này, ông Trần Quang Minh, Cục trưởng Cục Thống kê Phú Yên, Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh, cho biết:
- Tại Phú Yên, cơ cấu GRDP ngành Nông nghiệp luôn chiếm tỉ trọng cao hơn 20%, dân số sống ở khu vực nông thôn chiếm 71,2%... Điều này cho thấy lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Do đó, từ ngày 1/7 tới, Phú Yên sẽ tiến hành tổng điều tra đồng loạt để có những thông tin cơ bản về nông nghiệp, nông dân và nông thôn phục vụ việc đánh giá và xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
* Vậy Phú Yên đã làm gì để chuẩn bị triển khai tổng điều tra, thưa ông?
Ông Trần Quang Minh - Ảnh: V.AN |
- Đây là lần thứ 5 Phú Yên cùng cả nước thực hiện tổng điều tra theo kế hoạch 5 năm tổ chức một lần. Để chuẩn bị cho hoạt động này, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, tổ thường trực Tổng điều tra tỉnh; cấp huyện và cấp xã thành lập ban chỉ đạo, tổ thường trực Tổng điều tra cấp huyện và ban chỉ đạo cấp xã, đồng thời xây dựng kế hoạch điều tra cụ thể theo phương án do Bộ KH-ĐT đề ra.
Hiện Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh khẩn trương tập huấn cho thành viên ban chỉ đạo, tổ thường trực các cấp; đồng thời chỉ đạo cho Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp huyện tập huấn nghiệp vụ cho các tổ trưởng, giám sát, điều tra viên tham gia tổng điều tra. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng tích cực tuyên truyền, làm rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung chính và kế hoạch thực hiện tổng điều tra đến các cấp, ngành và toàn bộ hộ dân.
* Cuộc tổng điều tra lần này nhằm mục đích gì, thưa ông?
- Cuộc tổng điều tra lần này sẽ thu thập những thông tin cơ bản về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản và nông thôn nhằm biên soạn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ việc đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh. Thông tin thu thập được từ tổng điều ra cũng giúp cơ quan chức năng biên soạn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ việc đánh giá kết quả thực hiện một số nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia về CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu khu vực nông nghiệp và nông thôn. Đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu, chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ hàng năm và các yêu cầu thống kê khác.
* Ông có thể cho biết, để đạt được những mục đích trên, cơ quan thống kê sẽ tập trung điều tra nội dung nào?
- Để đạt được mục đích đề ra, trong cuộc tổng điều tra lần này, cơ quan thống kê tập trung điều tra ba nội dung cơ bản là thông tin về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản; thông tin về nông thôn và thông tin về cư dân nông thôn. Trong đó, thông tin về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản bao gồm số lượng đơn vị sản xuất, số lao động và cơ cấu lao động, quy mô sản xuất, năng lực sản xuất... Thông tin về nông thôn gồm thực trạng và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thực trạng và những chuyển biến về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, thông tin về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, vệ sinh môi trường nông thôn... Còn thông tin về cư dân nông thôn gồm điều kiện sống của cư dân nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; vai trò phụ nữ trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản...
Lao động trong lĩnh vực thủy sản là một trong những đối tượng điều tra của cuộc tổng điều tra đợt này. Trong ảnh: Ngư dân xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, xếp lại lưới sau một đêm đánh bắt - Ảnh: V.AN |
* Theo ông, để cuộc tổng điều tra thành công, cần đảm bảo những yếu tố gì?
- Để cuộc tổng điều tra thành công, trước hết, các bên liên quan cần thực hiện đúng phương án, kế hoạch tổng điều tra đã đề ra theo chỉ đạo của Trung ương. Bên cạnh đó, các sở ban ngành và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải vào cuộc, tham gia chỉ đạo, vận động người dân trên địa bàn đồng thuận, cộng tác tích cực với điều tra viên trong việc cung cấp thông tin phục vụ điều tra. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng, tính chính xác của cuộc tổng điều tra, các tổ trưởng phải kiểm tra tất cả các phiếu điều tra của tổ do mình phụ trách về nội dung, tính logic, kiểm tra số học, các quy định hành chính bắt buộc...; trực tiếp cùng điều tra viên đến một số đơn vị để kiểm tra, phỏng vấn lại một số hộ để thẩm định thông tin; kịp thời thông báo cho điều tra viên những sai sót để khắc phục và chủ động kiểm tra phiếu điều tra do điều tra viên thực hiện, không để tồn đọng phiếu nhiều ngày... Về phần mình, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp cần có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát, kiểm tra kết hợp thanh tra thường xuyên hoặc đột xuất từ khâu lập bảng kê, tập huấn, thu thập thông tin và tổng hợp nhanh số liệu điều tra... trong suốt thời gian diễn ra tổng điều tra.
* Xin cảm ơn ông!
Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản năm 2016 kéo dài tối đa 30 ngày (từ ngày 1-30/7) theo phương pháp điều tra toàn bộ kết hợp với điều tra chọn mẫu. Tổng điều tra lần này huy động 1.355 điều tra viên và 236 tổ trưởng tổ chức điều tra 207.562 hộ, 160 trang trại và 25 người sống trong khu nhà ở cho công nhân trên 1.355 địa bàn dân cư ở 9 huyện, thị xã, thành phố; trong đó, điều tra mẫu tại 114 địa bàn với 1.368 hộ. |
VIỆT AN (thực hiện)