Đây là mục tiêu của kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2016-2020 vừa được UBND tỉnh ban hành.
Kế hoạch đề ra các giải pháp kỹ thuật thực hiện như phân chia vùng theo nguy cơ gồm vùng đệm và vùng nguy cơ thấp; tiêm phòng vắc xin đảm bảo 2 lần tiêm phòng trong năm nhằm tạo miễn dịch bảo hộ cho 80% tổng đàn trâu bò; giám sát dịch bệnh và lưu hành vi rút; kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ; vệ sinh tiêu độc môi trường; xây dựng chương trình truyền thông về công tác phòng, chống bệnh lở mồm long móng; xử lý gia súc mắc bệnh lở mồm long móng và thực hiện hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch theo các quy định hiện hành.
Về cơ chế tài chính, ngân sách, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% kinh phí vắc xin để tiêm phòng cho gia súc 3 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân và 50% kinh phí mua vắc xin để tiêm phòng gia súc các xã vùng đệm thuộc chương trình quy định. Ngoài ra, hỗ trợ chi phí vận chuyển vắc xin về huyện; chi phí lấy mẫu xét nghiệm type vi rút khi trâu, bò bệnh; kinh phí kiểm tra, giám sát tiêm phòng; mua thuốc tiêu độc sau tiêm phòng định kỳ và dự phòng chống dịch.
Ngân sách cấp huyện, cấp xã hỗ trợ 50% kinh phí mua vắc xin để tiêm phòng gia súc các xã còn lại, vùng đệm thuộc chương trình; hỗ trợ kinh phí vận chuyển vắc xin về xã, chi phí bảo quản vắc xin và các chi phí liên quan trong quá trình tiêm phòng như thuốc chống phản ứng trong tiêm phòng, hỗ trợ khi gia súc tiêm vắc xin bị chết, tiền công tiêm phòng vắc xin cho gia súc của hộ nghèo, chi phí họp sơ, tổng kết…
Chủ gia súc chi trả tiền công tiêm phòng vắc xin, tiền mua vắc xin lở mồm long móng để tiêm phòng cho gia súc thuộc vùng nguy cơ thấp và chi phí tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi.
Đối với đàn gia súc của cơ sở chăn nuôi, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trang trại chăn nuôi và những đàn gia súc không thuộc diện ngân sách nhà nước hỗ trợ, thì các đơn vị tự đảm bảo kinh phí mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc của đơn vị mình theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y.
UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y làm đầu mối, phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện chương trình. Hàng năm, chịu trách nhiệm xác định type vi rút lưu hành, chủng loại vắc xin lở mồm long móng và yêu cầu kỹ thuật của từng loại vắc xin sử dụng để tiêm phòng tại các huyện, thị xã, thành phố; đồng thời tổ chức đôn đốc, kiểm tra công tác tiêm phòng vắc xin, giám sát theo quy định.
(PYP)