Triển khai mô hình giảm lượng giống gieo sạ, tưới nước theo chế độ ngập, khô xen kẽ, HTX Nông nghiệp Nam An Nghiệp (huyện Tuy An) đã giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập.
SẠ HÀNG GIẢM LƯỢNG GIỐNG GIEO SẠ
So với sạ lan dày truyền thống, sạ hàng giúp giảm lượng giống gieo sạ nên giảm một phần chi phí sản xuất ban đầu. Để có được kết quả như hiện nay với trên 80% diện tích sản xuất được người dân đã áp dụng kỹ thuật sạ hàng, HTX Nông nghiệp Nam An Nghiệp phải kiên trì triển khai từ cách đây 16 năm. Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam An Nghiệp, cho biết: Vụ hè thu năm 2000, HTX làm mô hình và vận động bà con ứng dụng kỹ thuật sạ lúa theo hàng, trên diện tích 2ha với lượng giống sử dụng là 120kg/ha. Lượng giống này so với sạ lan truyền thống tiết kiệm được từ 180-200kg/ha. Thời điểm đó rất ít người dân dám làm, vì bà con đã quen gieo với mật độ từ 300-400kg/ha. 20 ngày đầu tiên, thấy ruộng sạ theo hàng, cây lúa sinh trưởng tốt, nhiều bà con tò mò đến tìm hiểu nhưng vẫn rất ít người tin sạ lúa theo hàng cho năng suất bằng sạ mật độ dày, vì quan điểm của bà con từ trước tới nay vẫn là “Lớn bông không bằng đông gié”. Đến khi thu hoạch, năng suất ruộng sạ hàng cao hơn ruộng sạ dày từ 5-10 tạ/ha, đồng thời cây lúa không bị đổ ngã, trong khi ruộng sạ dày năng suất thấp và cây đổ ngã khó thu hoạch.
Ông Đỗ Kim Tiến, một trong những người đầu tiên tham gia mô hình sạ hàng 2ha, cho hay: Lúc đó, tôi cũng lo lắng nhiều lắm vì bao đời nay học theo cha ông gieo vung ra, nay làm khác đi không biết kết quả thực tế thế nào, nếu năng suất lúa giảm sẽ ảnh hưởng tới thu nhập của gia đình. Nhưng rồi HTX vận động nên tôi cứ mạnh dạn làm, thấy chi phí ban đầu có giảm do lượng giống gieo sạ giảm. Cây lúa theo hàng mật độ thưa nên dễ chăm sóc và lượng phân bón cũng ít hơn. Sau đó, tôi chỉ mong năng suất bằng với cách làm cũ là coi như thắng lợi rồi. Nào ngờ năng suất còn cao hơn, tôi mừng lắm.
Từ đây, khi vào vụ đông xuân 2000-2001, nhiều người dân bắt đầu có lòng tin đã chuyển sang sạ hàng, giúp nâng diện tích sử dụng kỹ thuật này lên 5ha. Thành công tiếp theo từ vụ đông xuân đã khẳng định tính ưu việt của kỹ thuật sạ hàng nên diện tích được nhân rộng lên 30ha rồi 50ha. “Đặc biệt, năm 2002, Trung tâm Khuyến nông nhập về công cụ sạ lúa theo hàng bằng nhựa. Người dân không phải vất vả căng dây làm hàng mà chỉ cần kéo máy, máy kéo tới đâu hạt lúa tự rơi xuống thẳng tắp tới đó. Nhờ được hỗ trợ 50% kinh phí mua máy nên người dân ngày càng áp dụng kỹ thuật này nhiều hơn, giúp diện tích sạ hàng tăng lên tới 75ha, chiếm 50% tổng diện tích sản xuất lúa do HTX quản lý. Đến nay, nông dân sạ hàng chiếm 80% diện tích”, ông Khoa nói.
TƯỚI NƯỚC NGẬP, KHÔ XEN KẼ
Sạ hàng kết hợp với phương pháp tưới nước hợp lý đã giúp giảm lượng nước tưới, phù hợp với điều kiện nguồn nước hạn chế hiện nay, hơn hết là tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng làm công tác thu hoạch. Ông Trần Tấn Khoa cho biết thêm: Từ vụ hè thu năm 2010, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với HTX làm mô hình “Một phải, năm giảm” trên quy mô 10ha. Từ đây, bà con học được kỹ thuật tưới nước theo chế độ ngập, khô xen kẽ. Tức là cây lúa không phải luôn luôn ngập nước, mà ruộng chỉ cần ngập nước trong giai đoạn lúa non và lúa trổ để hạn chế cỏ dại và giúp lúa kết hạt tốt. So với cách làm ruộng truyền thống, mỗi vụ, nông dân giảm được 2 lần tưới nước. Tưới nước như vậy còn giúp mặt ruộng khi thu hoạch cứng, không bị lún như ruộng luôn luôn ngập nước, nên thuận tiện cho việc đưa máy móc vào đồng thu hoạch.
Theo chị Nguyễn Thị Chiên ở xã An Nghiệp thì việc đưa máy gặt đập vào thu hoạch không chỉ giúp giải phóng sức lao động cho người dân, hạn chế tình trạng lúa rớt hạt mà còn giảm chi phí so với gặt tay. Cụ thể, người dân thuê công gặt 1ha bằng tay hết 9 triệu đồng, trong khi thuê máy chỉ hết 2,4 triệu đồng. “Lợi ích thì ai cũng thấy rồi nhưng nhiều khi muốn đưa máy vào ruộng mà không được vì ruộng ướt, máy bị lún. Từ khi học được kỹ thuật tưới nước theo chế độ ngập, khô xen kẽ, gia đình tôi không còn phải thuê lao động gặt thuê nữa mà chỉ cần gọi máy của HTX, nhờ đó giảm được chi phí sản xuất”, chị Chiên nói.
HTX Nông nghiệp Nam An Nghiệp là đơn vị thực hiện thành công kỹ thuật sạ hàng và tưới nước theo ngập khô xen kẽ trong sản xuất nông nghiệp. Bằng sự kiên trì, đơn vị này đã từng bước vận động người dân thay đổi được tập quán canh tác cũ, tiếp thu phương pháp mới; nhờ đó giảm được chi phí trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho kinh tế hộ.
Ông Cao Văn Tiên, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An |
BẠCH VÂN