Thứ Sáu, 18/10/2024 17:21 CH
Có điện, cuộc sống ở xóm Vườn đổi thay
Thứ Ba, 24/05/2016 11:00 SA

Người dân xóm Vườn, xã An Lĩnh (huyện Tuy An) kéo điện, lắp đặt máy bơm để bơm nước tưới cây trồng - Ảnh: A.NGỌC

Cuối năm 2015, người dân xóm Vườn, thôn Quang Thuận, xã An Lĩnh (huyện Tuy An) được đầu tư lưới điện. Từ đó đến nay, cuộc sống của người dân nơi đây có nhiều đổi thay.

 

NGƯỜI DÂN PHẤN KHỞI

 

Hiện trên địa bàn xã An Lĩnh vẫn còn một số khu dân cư chưa có điện hoặc điện không ổn định, trong đó có hai xóm Hòn Mõ và Cây Cui với khoảng 30 hộ dân đang cần ngành Điện quan tâm kéo điện. 

 

Ông Dương Văn Nam, Chủ tịch UBND xã An Lĩnh

 

Trước đây, xóm Vườn có khoảng 40-50 hộ dân sinh sống. Nhưng do đường sá đi lại khó khăn, kinh tế không phát triển nên người dân ở đây phải bỏ đi nơi khác lập nghiệp. Hiện xóm Vườn chỉ còn 9 hộ dân với 41 nhân khẩu nhưng có đến 8 gia đình liệt sĩ, 2 Mẹ Việt Nam anh hùng. Tuy là vùng đất cách mạng nhưng suốt một thời gian dài, người dân nơi đây phải sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn; vào mùa mưa, khu vực này thường xuyên bị chia cắt bởi con suối Đồng Dài. Ông Phạm Hồng Thái, một người dân ở xóm Vườn, cho biết: “Năm 2001, cả xóm phải vay tiền mua dây và kéo điện từ một trạm biến áp ở cùng thôn đặt tại xóm Chùa với chiều dài gần 1km để có điện sinh hoạt. Tuy nhiên, vì đời sống kinh tế khó khăn nên người dân ở đây không thể đầu tư nâng cấp đường dây điện tạm thời này, các trụ điện bằng cây gỗ do người dân làm cũng bị hư hỏng. Do đó, dù xóm tạm thời có điện nhưng chập chờn, không ổn định. Điện chỉ sử dụng được một thời gian nhất định trong ngày, còn giờ cao điểm điện có cũng như không”.

 

Theo Công ty Điện lực Phú Yên, việc đầu tư hệ thống lưới điện nông thôn tại các địa phương vùng cao, vùng khó khăn, vùng căn cứ cách mạng là rất cần thiết. Công ty Điện lực Phú Yên đã trình Bộ Công thương giải quyết tình trạng thiếu điện sinh hoạt tại các địa phương miền núi, trong đó có khu vực xóm Vườn, nhưng theo đúng lộ trình thì phải đến năm 2020. Tuy nhiên, do tính cấp bách, Công ty Điện lực Phú Yên đã quyết định đầu tư đường dây hạ áp dài hơn 1,2km với 30 vị trí cột bê tông xi măng được đấu nối với đường dây hạ áp thuộc trạm biến áp T.427/474/TA - Phong Thái 1, tổng mức đầu tư hơn 600 triệu đồng. Công trình này được ngành Điện đưa vào diện đầu tư theo chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

 

Ông Mai Khoa, Giám đốc Điện lực Tuy An, cho biết: Công trình điện xóm Vườn được triển khai thi công vào thời điểm mưa kéo dài, đường vào khu vực thi công bị chia cắt bởi suối Đồng Dài nên việc di chuyển cột, vật tư gặp nhiều khó khăn. Với nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công, trong vòng 15 ngày, công trình này đã hoàn thành. Cuối tháng 11/2015, song song với việc đấu nối hệ thống điện, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, Điện lực Tuy An đã đến tận nơi làm thủ tục lắp mới công tơ để cấp điện cho người dân nơi đây sử dụng.

 

CẦN ĐƯỜNG BÊ TÔNG

 

Bà Phan Thị Kim Thanh ở xóm Vườn, cho biết: Trước đây, nhiều lúc đi làm rẫy về, mở nồi cơm ra thì gạo vẫn còn nguyên do điện yếu. Các thiết bị điện khác cũng thường xuyên bị hư hỏng do nguồn điện không ổn định. Từ cuối năm 2015 đến nay, bà con ở xóm Vườn được sử dụng điện ổn định hơn, nhà nào cũng có ti vi, tủ lạnh, quạt máy… nên cuộc sống đủ đầy hơn trước. Còn theo ông Nguyễn Nhương, cũng là người dân ở xóm Vườn, thì gia đình ông có khoảng 3ha đất chuyên trồng chuối, các loại cây ăn quả, mía và trồng cỏ nuôi bò. Từ ngày có điện ổn định, ông đã mua máy bơm nước tưới cho các loại cây trồng này nên năng suất tăng cao, thu nhập của gia đình cũng được cải thiện.

 

Có điện, người dân xóm Vườn rất phấn khởi, tuy nhiên, đời sống bà con nơi đây vẫn còn khó khăn. Hiện con đường dốc núi đá lởm chởm dài hơn 1km từ thôn Phong Thái đến xóm Vườn vẫn chưa được đầu tư bê tông hóa. Người dân qua lại trên con đường này còn gặp phải con suối Đồng Dài rất “hung hãn” vào mùa mưa và đã có trường hợp học sinh qua suối bị nước lũ cuốn trôi. Ông Phạm Thanh Tùng, một người dân trong xóm Vườn, cho biết: Đường này vào mùa mưa, học sinh đến trường bị vấp ngã thường xuyên. Khó khăn nhất là khi mưa lũ, người dân phải làm “cầu khỉ” bắc qua một nhánh nhỏ của con suối để tạm lưu thông, nếu lũ lớn thì cả xóm bị cô lập. Theo ông Dương Văn Nam, Chủ tịch UBND xã An Lĩnh, do ngân sách xã hạn hẹp nên UBND xã đã kiến nghị lên cấp trên linh động và có cơ chế hỗ trợ cho các hộ chính sách ở khu vực xóm Vườn làm đường bê tông và xây cầu bắc qua suối Đồng Dài để bà con đi lại thuận tiện. 

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek