Thứ Hai, 30/09/2024 06:15 SA
“Cơn sốt” huỳnh đàn: Sau gỗ, đến cây giống!
Thứ Sáu, 24/08/2007 07:01 SA

Một “cơn sốt” mới liên quan đến huỳnh đàn đã xuất hiện: người dân đổ xô mua huỳnh đàn giống để mong sau vài ba năm sẽ thu bạc triệu, bạc tỉ! Một số điểm bán huỳnh đàn giống đã ra đời ở hai huyện Đông Hòa và Sông Hinh. Chỉ riêng một điểm bán huỳnh đàn ở Hòa Vinh (Đông Hòa) đã bán được khoảng 1 vạn cây và đã nhận được đơn đặt hàng hàng vạn cây giống khác.

 

070824-cay-qdan.jpg

Vợ chồng anh Phan Xuân Bính trong vườn huỳnh đàn giống (ảnh lớn) và tấm bảng rao bán giống huỳnh đàn anh vừa mới thay - Ảnh: K.DUY

 

Trong khi nhiều thương lái và cò mồi khắp nơi đổ về Phú Yên để tìm kiếm những vật dụng bằng gỗ huỳnh đàn (cây sưa) để mua (xem PYO ngày 22/8) thì số người tìm mua cây giống huỳnh đàn cũng ngày càng gia tăng.

 

GIÁ CAO VẪN ĐẮT NHƯ TÔM TƯƠI!

 

Cách đây vài ngày, anh Phan Xuân Bính ở thôn 5, xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa quyết định dẹp cái bảng hiệu “Ở đây có bán huỳnh đàn giống” nho nhỏ, thay bằng một bảng hiệu lớn có chiều ngang khoảng 3m, “hoành tráng” hơn để người đi đường dễ nhìn thấy. Vài ngày trước, anh Bính là hộ duy nhất ở huyện Đông Hòa bán cây giống huỳnh đàn, còn mới đây, cách nhà anh vài chục mét cũng có một hộ khác bán huỳnh đàn giống!

 

Cậu vợ anh Bính là ông Lăng Văn Bắc ở thôn Quan Ngoại, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc – người dạo gần đây được báo, đài nhắc đến nhiều vì nhân giống thành công loại cây cho gỗ đang tạo “sốt” này. Tháng 4 vừa rồi, ông Bắc đề nghị anh Bính làm đại lý bán giống cây huỳnh đàn ở Phú Yên. “Thời gian đầu, số người mua rất ít bởi chẳng ai biết huỳnh đàn, cây sưa là thứ cây gì. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 tới nay, khi một số người dân có vật dụng bằng gỗ huỳnh đàn trong tỉnh bán được với giá rất cao, thì người ta đổ xô đến tôi mua cây giống!” – Anh Bính cho biết.

 

Giờ thì hàng ngày, ngôi nhà nhỏ của anh tiếp hàng chục lượt khách – cá nhân có, tập thể có - từ khắp nơi trong tỉnh và cả ở Bình Định, Khánh Hòa... đến mua, đặt cây giống huỳnh đàn. Anh Bính cho hay, đến nay anh đã bán được khoảng 1 vạn cây giống với giá 14.000 đồng/cây. Hiện trong vườn nhà anh còn khoảng 4.500 cây đã hơn 2 tháng tuổi. Anh cho biết thêm: “Tôi đang nhận khá nhiều đơn đặt hàng. Người mua vài chục, người vài trăm, còn khách ở Bình Định hay Khánh Hòa thì đặt từ hàng ngàn đến cả vạn. Tôi định sắp tới phải thuê hẳn xe ra Vĩnh Phúc, chỗ cậu Bắc, để chở cây giống về cung ứng cho nhu cầu của bà con trong mùa trồng rừng năm nay”.

 

Không chỉ thay bảng hiệu lớn hơn, vợ chồng anh Bính đã mở một “chi nhánh” ở xã Hòa Phong, sắp tới định mở thêm ở xã Hòa Mỹ Đông (đều thuộc huyện Tây Hòa) và ở huyện Phú Hòa. Anh còn dự kiến sang năm sẽ thuê đất mở luôn vườn ươm giống cây huỳnh đàn ngay tại xã Hòa Vinh.

 

070824-hd1.jpg

Anh Truyền đang xem cây giống huỳnh đàn ở nhà chị Hương

 

Còn chị Hương, ở cách nhà anh Bính vài chục mét, cũng vừa mới trưng bảng bán huỳnh đàn giống. Hôm chúng tôi đến, chị mới “kinh doanh” được một ngày, cũng có vài lượt người đến hỏi thăm cây giống, giá tiền... và hẹn vài ngày tới, nếu có mưa, sẽ đến mua với số lượng vài ngàn.

 

Ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), nhà anh Lê Xuân Đào là hộ duy nhất có cây giống huỳnh đàn. Vợ anh Đào cho biết anh đọc sách báo, thấy giá trị cao của loại cây này nên nhờ người quen mua 3.000 cây tại Vĩnh Phúc với giá giao tận nhà là 8.000 đồng/cây. Qua 3 tháng, số cây giống này đều lên xanh tốt. “Gần đây, có rất nhiều người đến hỏi mua, nhưng tôi không bán vì mua về để trồng trong diện tích rừng của gia đình” – vợ anh Đào nói. Dù vậy, chị cũng cho hay, do nhiều bà con, người quen đến năn nỉ quá nên cũng đã “để nhịn” lại khoảng 1.000 cây với giá 10.000 đồng/cây! Ở xã Đức Bình Đông thuộc huyện này, bà Nguyễn Thị Hợp cũng đã “nhập” về 6.000 cây giống huỳnh đàn để bán.

 

KHÔNG ĐƯỢC NHIỀU TIỀN THÌ CŨNG ĐƯỢC GỖ!

 

Ông Nguyễn Như Ý ở thôn Phú Hiệp 2, xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa là một trong những người trồng nhiều cây huỳnh đàn. Ông bỏ ra 20 triệu đồng mua ở đại lý anh Bính tổng cộng 1.500 cây để đem trồng trên diện tích khoảng hơn 1ha ở khu vực suối Lùng, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa. Ông Ý nói: “Huỳnh đàn là gỗ quý lâu nay ai cũng biết, nhưng ở mình tìm giống không có. Tôi quyết định trồng rừng loại cây này cũng vì nhắm thấy giá trị của chúng hiện nay lớn, nhưng nếu đến sau này mà gỗ huỳnh đàn không còn “sốt” với giá cao ngất ngưỡng như bây giờ thì mình cũng được một rừng gỗ tốt, vì loại cây này cho gỗ ít da, đặc lõi”. Ông Ý cũng cho biết rằng tuy giá cây giống huỳnh đàn cao, gấp đến 4 lần so với cây dó giống, nhưng loại cây này dễ trồng hơn, “hễ găm xuống đất là chúng sống, tỉ lệ cao đến khoảng 95%”.

 

Cụ Lê Thanh Cảng ở thôn 2, xã Hòa Vinh mua 18 cây giống huỳnh đàn về trồng đã 5 tháng nay. Bây giờ, toàn bộ số cây trong vườn ông đều lên tốt, cây lớn nhất đã đạt 1,5m. Cụ nói: “Hồi đầu, tôi sợ người ta ăn cắp cây, phải nói dối đó là cây khế”. Rồi cụ cho biết đã đọc được một bài trên báo Nông Nghiệp Việt Nam nói rằng loại cây huỳnh đàn này trồng ở miền Bắc khoảng 7 năm thì có chiều cao 12m, đường kính 27cm, thu hoạch được. Khi được hỏi vì sao có một số thương lái cho rằng vật dụng bằng gỗ được làm bằng huỳnh đàn nhưng họ không mua, cụ Cảng tỏ ra rành rẽ: “Có hai loại huỳnh đàn, huỳnh đàn quý hiếm giá trị cao hiện nay là huỳnh đàn đỏ, còn loại huỳnh đàn vàng thì giá trị bình thường thôi!”.

 

Chúng tôi cũng gặp một thanh niên tên Truyền, ở xã Hòa Tân Đông (Đông Hòa) đến nhà chị Hương hỏi mua giống cây huỳnh đàn. Truyền cho biết định trồng khoảng 1.000 cây huỳnh đàn trên đất gia đình ở Đắk Lắk. Tuy nhiên, Truyền bộc bạch: “Em cũng không rành lắm về loại cây này, cũng không biết cây giống thật, giả ra sao. Em chỉ tìm được một vài thông tin ít ỏi từ mạng Internet và biết đây là một loại cây cho gỗ quý hiếm, có giá trị rất cao nên đi hỏi thăm để mua về trồng thử thế nào...”.

 

Như vậy, là dường như một “cơn sốt” mới về loại gỗ huỳnh đàn đã xuất hiện. Vấn đề bây giờ là các ngành chức năng quản lý, kiểm soát thế nào để giúp người dân không mua phải cây giống dỏm, tránh tình trạng phá rừng để trồng huỳnh đàn hoặc nạn trộm cắp cây, tranh chấp đất... có thể xảy ra do hệ quả của “cơn sốt” này.

 

Vì sao huỳnh đàn có giá trị cao?

 

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, trên Báo Nông Nghiệp Việt Nam mới đây cho biết: “Gỗ huỳnh đàn có màu vàng nhạt, lõi màu thẫm hơn, có mùi thơm như trầm, đặc biệt nó có vân gỗ bốn mặt chứ không chỉ hai mặt như các loại gỗ khác và khi đưa ra ánh sáng thấy óng ánh 7 màu. Thời vua chúa phong kiến, gỗ huỳnh đàn dùng để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình vì nó vừa là hương liệu vừa là dược liệu. Những năm gần đây, giới nhà giàu Trung Quốc quay ra săn lùng huỳnh đàn để đóng quan tài hoặc ướp xác như các vị hoàng đế Đại Hán trước đây. Được biết quan tài đóng bằng huỳnh đàn có khả năng giữ được xác lâu, không bị phân hủy. Tuy nhiên giá trị đích thực của nó lại thuộc về vấn đề tâm linh. Người ta quan niệm nếu chết được chôn bằng quan tài hoặc được ướp bằng bột huỳnh đàn thì linh hồn người chết dễ được siêu thoát, đem lại điều may mắn cho gia đình. Ngoài ra, cây huỳnh đàn thường gắn với các điển tích của Phật giáo, do đó ngày nay người ta làm những khâu tràng hạt có giá vài nghìn USD để bán cho các nhà sư và thiện nam tín nữ ở Trung Quốc. Đây chính là nguyên nhân khiến giá của huỳnh đàn được đẩy lên đến mức kinh hoàng”.

 

 

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hàng tiêu dùng vẫn chưa giảm giá
Thứ Năm, 23/08/2007 07:00 SA
Trồng dó bầu ở Đồng Xuân
Thứ Tư, 22/08/2007 07:10 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek