Nhiều tháng nay, nhiều giếng đào, giếng khoan ở thôn Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa bị nhiễm mặn. Đang vào mùa nắng nóng nên người dân nơi đây phải vất vả lo tìm nước để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Theo người dân thôn Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa, các giếng nước ở đây đã bị nhiễm mặn từ nhiều năm nay. Bà Nguyễn Thị Nhị, một hộ dân thôn Ngọc Lãng, cho biết: Vào khoảng tháng 2-8 hàng năm, nước giếng thường bị nhiễm mặn. Những năm trước, mức độ nhiễm mặn ít, còn năm nay không hiểu sao nước bị mặn hơn rất nhiều. Bà con ở đây hầu hết không thể sử dụng nước giếng để ăn uống mà phải mua nước đóng bình về dùng, rất tốn kém. Trung bình mỗi tháng nhà tôi phải dùng ít nhất 6 bình nước loại 20 lít, mất khoảng 90.000 đồng.
Không chỉ gia đình bà Nhị mà nhiều hộ dân thôn Ngọc Lãng phải mua nước bình để dùng hàng ngày. Chị Trần Thị Thu, một hộ dân khác, chia sẻ: “Nước giếng giờ bị nhiễm mặn ghê lắm, nhà nào trong thôn cũng bị nên không thể đi xin nước về dùng. Khu vực này lại chưa có nước máy nên mọi người đều phải dùng tạm nước giếng nhiễm mặn để tắm giặt hàng ngày nên rất bất tiện”.
Nước nhiễm mặn không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà còn gây thiệt hại về kinh tế. Thôn Ngọc Lãng hiện có trên 300 hộ dân chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng rau, hoa. Tuy nhiên, do nguồn nước bị nhiễm mặn nên nhiều diện tích trồng rau bị hư. Khi tưới nước lên rau, trên lá rau và mặt đất còn đọng một lớp muối trắng. Bà Nguyễn Thị Nhị cho biết: Gia đình tôi trồng 1 sào rau. Bình thường mỗi năm tôi thu nhập cũng được vài triệu đồng nhưng năm nay thì mất trắng. Từ Tết Nguyên đán đến nay tôi chưa thu hoạch được lứa rau nào vì giếng khoan không có nước ngọt để tưới. Nước giếng bị nhiễm mặn nên tưới xuống làm lá rau khô héo, không phát triển được. Ở đây người dân cố gắng đầu tư giống, tăng cường phân nhưng trồng khoảng một tháng thì rau chết, phải cào bỏ hết để trồng lại từ đầu. Tôi đã thử khoan giếng ở vị trí khác nhưng nước vẫn bị nhiễm mặn.
Với ông Võ Hiến thì sau hai lần phải cào bỏ mấy sào rau chết do tưới nước nhiễm mặn, ông vẫn cố gắng chăm sóc lứa rau mới. Ông Hiến nói: Tôi có hai đám đất với diện tích khoảng 4 sào để trồng rau nhưng đều bị nhiễm mặn. Trong đó, mảnh đất 1 sào phải bỏ hoang vì nước nhiễm mặn nặng. Phần diện tích đất còn lại thì nước ít bị nhiễm mặn hơn. Giờ để đất không thì phí nên tôi tìm cách trồng lại rau để có thu nhập cho gia đình. Nước bị nhiễm mặn nên khi tưới, rau bị héo, nếu may mắn không chết thì rau cũng cằn cỗi, ít phát triển được, kéo dài thời gian thu hoạch. Vì vậy tôi phải tăng công chăm sóc, bón phân nên chi phí tăng.
Anh Phạm Văn Ngọc Anh, Trưởng thôn Ngọc Lãng, cho biết: Tình trạng nước nhiễm mặn ngày càng trầm trọng. Nhiều diện tích trồng rau, hoa của bà con bị ảnh hưởng nặng nề. Những diện tích trồng rau ở gần bờ sông Đà Rằng thì có thể bơm nước trên mặt sông để tưới rau nhưng những diện tích phía trong thì phải dùng nước giếng nhiễm mặn. Trong khi đó, hệ thống nước máy chưa có. Người dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị lắp đặt đường ống nước máy nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết nên cuộc sống của người dân thôn Ngọc Lãng gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Bình Ngọc, xã đã báo cáo tình trạng này cho cấp trên. Vừa qua, các phòng, ban chuyên môn của thành phố đã về lấy mẫu nước ở thôn Ngọc Lãng để mang đi xét nghiệm. Hiện địa phương vẫn chờ kết quả mức độ nhiễm mặn ở khu vực này. |
NHƯ THANH