Trái với cách đây ít năm, hiện nay, nguồn vốn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng dư thừa. Đại diện của các ngân hàng khẳng định họ đang “đốt đuốc” tìm doanh nghiệp đủ điều kiện để cho vay nhưng đầu ra vẫn gặp nhiều khó khăn.
THỪA VỐN
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, đến cuối tháng 3/2016, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh huy động vốn hơn 13.600 tỉ đồng. Tuy nhiên, dư nợ cho vay của các ngân hàng này đang ở mức gần 13.000 tỉ đồng. Như vậy, các ngân hàng thương mại ở Phú Yên đang thừa khoảng 600 tỉ đồng, không biết đầu tư vào đâu. Dường như đây là một nghịch lý vì hầu hết tại các cuộc đối thoại, diễn đàn, vấn đề “nóng” mà doanh nghiệp thường xuyên nêu ra là thiếu vốn.
Phát biểu tại diễn đàn “Nữ lãnh đạo doanh nghiệp: Ước mơ và hành động, vì sự phát triển của tỉnh Phú Yên”, bà Ngô Thị Ngọc Thiếp, Giám đốc Công ty TNHH Tứ Thiện, Phó Chủ nhiệm CLB Nữ doanh nhân Phú Yên, cho rằng một trong những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp là vốn ngân hàng. “Đã làm ăn kinh doanh thì không có đơn vị nào là không cần vốn, trong khi chính sách cho vay của ngân hàng quá nghiêm ngặt nên doanh nghiệp khó tiếp cận. Do đó, doanh nghiệp mong muốn ngân hàng cũng như các sở, ban ngành hỗ trợ để họ thuận lợi hơn trong quá trình sản xuất, kinh doanh”, bà Thiếp nói. Ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Yên, cũng cho hay hiện nay, mặc dù ngân hàng đang thừa vốn nhưng nhiều doanh nghiệp ở Phú Yên rất khó vay và dường như ngân hàng - doanh nghiệp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này.
Lý giải về nghịch lý “thừa - thiếu” nói trên, theo ông Huỳnh Quốc Thi, Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) chi nhánh Phú Yên, nguyên nhân là hầu hết doanh nghiệp ở Phú Yên đều có quy mô nhỏ lẻ, đi lên từ mô hình hộ sản xuất, kinh doanh cá thể; cách quản trị doanh nghiệp vẫn theo kiểu hộ gia đình nên chưa chặt chẽ. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp không minh bạch về tài chính; liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có đến 2-3 báo cáo, gửi đến cơ quan thuế báo cáo khác, gửi đến ngân hàng báo cáo khác, gửi đến đối tác đầu tư báo cáo khác khiến ngân hàng thấy rất rủi ro, không thể mạnh tay cho vay. “Khi đứng chân trên địa bàn, ngân hàng luôn mong muốn tìm được khách hàng tốt để cho vay. Ngân hàng cũng luôn luôn có một “rổ” sản phẩm phục vụ doanh nghiệp. Doanh nghiệp có nhu cầu vay như thế nào, ngân hàng sẵn sàng đáp ứng thế đó, chủ yếu là doanh nghiệp có sử dụng vốn đúng mục đích, có quản trị dòng tiền tốt hay không. Hiện nay, nhiều giám đốc ngân hàng phải đích thân đi tìm khách hàng nhưng có “đốt đuốc” tìm thì khách hàng tốt, đủ điều kiện vay cũng rất ít ỏi”, ông Thi chia sẻ.
Các ngân hàng thương mại đang thừa vốn và có nhiều gói tín dụng ưu đãi nhưng khó tìm được khách hàng đủ điều kiện để cho vay - Ảnh: L.HẢO |
CHƯA CÓ TIẾNG NÓI CHUNG
Đồng quan điểm này, ông Phan Ngọc Hiếu, Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) chi nhánh Phú Yên, cho biết: Hưởng ứng chỉ thị của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh về Năm Doanh nghiệp Phú Yên - 2016, ngành Ngân hàng đã ủng hộ hết mình cho doanh nghiệp. Cụ thể là hiện nay, các ngân hàng đều có rất nhiều sản phẩm cho vay ưu đãi, đáp ứng mọi nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn. Các ngân hàng tạo điều kiện đến mức mặc dù đang huy động vốn với lãi suất cố định 7%/năm nhưng cũng sẵn sàng cho vay ưu đãi với lãi suất 7%/năm. Ngoài ra, mỗi ngân hàng còn kèm theo nhiều chính sách thuận lợi khác cho doanh nghiệp. Nhưng khó khăn hiện nay các ngân hàng đang đối mặt là rất khó tìm được khách hàng tốt để cho vay.
Ông Đinh Phú Khánh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên, cho rằng: Trong Năm Doanh nghiệp Phú Yên - 2016, ngoài các gói tín dụng ưu đãi mà các ngân hàng triển khai theo chính sách chung từ Trung ương, chúng tôi mong muốn ngân hàng có các gói kích cầu cụ thể cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Lúc đó, doanh nghiệp mới mạnh dạn tiếp cận vay vốn. Các gói kích cầu này cần được triển khai trên tinh thần hợp tác, hỗ trợ để doanh nghiệp có điều kiện phát triển.
Theo ông Huỳnh Hữu Phương, Phó Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh Phú Yên, hiện nay, hầu như các khách hàng tốt, đủ điều kiện vay vốn, được nhiều ngân hàng săn đón lại có rất ít nhu cầu vay vốn. Ngược lại, những doanh nghiệp khó khăn, tình hình tài chính không ổn định lại thường tìm đến ngân hàng. Trong khi đó, với những doanh nghiệp này, ngân hàng phải cân nhắc, xem xét nhiều khía cạnh và nếu không đáp ứng đủ điều kiện thì ngân hàng không thể cho vay. “Mặc dù rất muốn đẩy mạnh vốn tín dụng ra thị trường nhưng hiện nay, những khó khăn trong vấn đề xử lý nợ xấu trong thời gian qua khiến ngân hàng “chùn tay”. Khi muốn vay vốn, doanh nghiệp tìm nhiều cách để được vay; còn khi khó khăn, doanh nghiệp lại tìm mọi cách để hoãn trả nợ. Lúc đó, ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu phát sinh, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngân hàng”, ông Phương nói.
Trong chính sách phát triển doanh nghiệp hiện nay, vấn đề tín dụng chiếm vị trí quan trọng. Do đó, các ngân hàng và doanh nghiệp cần ngồi lại, tìm ra tiếng nói chung. Về phần UBND tỉnh, lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương, các hội doanh nghiệp, doanh nhân rà soát lại “sức khỏe” của doanh nghiệp, định hướng ngân hàng đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh, những doanh nghiệp đầu tàu tiêu biểu để làm hạt nhân thúc đẩy các doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh phát triển.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến |
LÊ HẢO