Mực nước sông Kỳ Lộ (còn gọi là sông Cái) - con sông lớn thứ 2 ở Phú Yên sau sông Ba - xuống thấp kỷ lục từ trước đến nay. Sông cạn lại bị cát bồi lấp làm thay đổi dòng chảy nên các trạm bơm không thể hút nước, khiến hàng trăm héc ta lúa hè thu chuẩn bị gieo sạ ở huyện Đồng Xuân, Tuy An - nơi dòng sông chảy qua, có nguy cơ thiếu nước.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định, thời gian đến, mực nước trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ 30-65%. Các hồ thủy lợi ở khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên mực nước chỉ đạt khoảng 50%. |
Những ngày qua, dọc theo dòng sông Kỳ Lộ phía thượng nguồn, đoạn chảy qua thôn Phú Sơn, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), lòng sông thu hẹp dần, mực nước chỉ cao ngang đầu gối. Ông Trương Văn Tâm, một người dân sống ở đây, cho hay: “Trước đây, người dân muốn qua khu vực này thì phải bơi sõng, nay chỉ cần xắn quần lội qua. Nước cạn làm cho dòng chảy thu hẹp. Năm trước, tôi đặt máy bơm D6 gần bờ soi hút nước từ dòng sông tưới cỏ voi, còn 2 tháng nay dòng chảy liên tục bị thu hẹp, chắp thêm 3 lần ống mới hút được nước”.
Xuôi xuống vực Lò, một trong những vực sâu nhất sông Lỳ Lộ, người đứng trên bờ nhìn xuống dòng sông thấy rõ cát trắng. Tại đây có trạm bơm điện Vực Lò hút nước bơm tưới trên 100ha lúa ở cánh đồng Triêm Đức (xã Xuân Quang 2), hiện khu vực đặt đầu bơm của trạm bơm đã khô cạn. Ông Nguyễn Ngọc Tài, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Quang 2, lo ngại: Dòng chảy của sông Kỳ Lộ hiện lệch ra xa so với chỗ đặt đầu bơm và bị ngăn cách bởi cồn cát to. Chỗ nước chảy gần đầu bơm nằm phía dưới, vì vậy để có nước sản xuất vụ hè thu sắp đến thì phải nạo vét. Tuy nhiên, nếu chúng tôi lấy được nước từ lòng sông chảy ngược lên cũng sẽ rất khó khăn.
Cũng theo ông Tài, hiện xã Xuân Quang 2 có 3 trạm bơm hút nước sông Lỳ Lộ, ngoài trạm bơm điện Vực Lò, còn có trạm bơm Phú Sơn và Phước Huệ. Dòng sông Kỳ Lộ chảy qua khu vực đặt các trạm bơm này đang khô cạn, nếu không nạo vét thì không thể bơm tưới phục vụ sản xuất vụ hè thu. Còn nạo vét thì kinh phí rất lớn.
Sông Kỳ Lộ chảy qua thị trấn La Hai được tiếp nước từ sông Trà Bương đổ nhập vào sông Kỳ Lộ tại ngã ba Chợ Lùng, xã Xuân Quang 3, tuy nhiên dòng chảy đoạn qua thị trấn hiện rất yếu. Ông Nguyễn Văn Sỹ, một nông dân ở đây, than thở: Dòng sông chảy dưới chân cầu mới La Hai (cầu bắc qua sông trên tuyến quốc lộ 19C), bây giờ đi bộ qua được. Dòng sông cạn dần, không biết sắp đến có đủ tưới vụ hè thu không?
Ông Lê Xuân Đức, Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ thị trấn La Hai, tỏ ra lo lắng khi chuẩn bị bước vào sản xuất vụ hè thu. Ông Đức nói: Thị trấn La Hai có 6 trạm bơm, trong đó trạm bơm Long Hà, Long Thăng, Cầu Sắt hút nước từ sông Kỳ Lộ. Lòng sông đang khô cạn. Nếu nắng khoảng một tháng nữa thì e rằng sẽ đứt nước. HTX đang lên phương án chống hạn, khơi thông dòng chảy từ lòng sông vào chỗ bể hút, nạo vét phải “âm” sâu xuống cát 2-3m nước mới chảy vào được. Chỗ bể hút phải mở rộng hầm chứa đề phòng lúc “đứt” nước từ lòng sông, đồng thời “nối tải” phần ống hút mới đảm bảo tưới vụ hè thu sắp đến.
Tương tự, nước dưới lòng sông tại Trạm bơm điện Tân Bình (xã Xuân Sơn Bắc), Tân Long (xã Xuân Sơn Nam) cũng đang khô cạn. Các HTX cũng đang lên phương án chống hạn gửi các ngành chức năng. Tuy nhiên kinh phí nạo vét mà các HTX lên phương án lên đến hàng trăm triệu đồng, trong khi đó kinh phí của HTX quá ít ỏi so với số tiền cần chống hạn. Lo ngại của các HTX là đến thời điểm hiện nay, kinh phí chống hạn chưa được phê duyệt, công việc nạo vét đặt máy bơm chưa triển khai. Trong khi đó đến ngày 20/5, người dân cần xuống giống vụ hè thu theo lịch thời vụ của Sở NN-PTNT.
Phía hạ nguồn sông Kỳ Lộ có đập Tam Giang, Hà Yến (huyện Tuy An), tưới hàng trăm héc ta lúa ở cánh đồng xã An Thạch, An Ninh Đông, An Ninh Tây, mực nước tại các đập cũng đang xuống thấp.
Theo ông Trần Tiến Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, khi mực nước tại các đập Hà Yến, Tam Giang, Đồng Kho giảm xuống dưới ngưỡng tràn, tưới tự chảy không đủ đáp ứng. Công ty sẽ cân đối lượng nước tưới của hồ Đồng Tròn để hỗ trợ chống hạn cho hệ thống thủy nông Tam Giang. Trường hợp lượng nước hồ Đồng Tròn vẫn không đủ hỗ trợ, công ty sẽ tổ chức bơm trực tiếp từ các sông vào các cống đầu kênh để chống hạn. Tuy nhiên, công ty kiến nghị Sở NN-PTNT, các địa phương vận động nông dân chuyển đổi cây trồng trên những diện tích cao xa, cuối kênh thường xảy ra khô hạn, không có nguồn nước bơm hỗ trợ sang trồng các cây trồng khác ít sử dụng nước.
LÊ TRÂM