Những ngày qua, tại các cánh đồng xã An Nghiệp (huyện Tuy An), Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), nông dân thu hoạch xong lúa vụ đông xuân 2015-2016, tiến hành cày đất trồng dưa. Còn nông dân ở huyện Tây Hòa chuyển đổi đất khô hạn sang trồng bắp lai.
TRỒNG DƯA HẤU SAU LÚA
Trên cánh đồng Nai (xã An Nghiệp) rộng gần 100ha, nông dân thu hoạch lúa đến đâu thuê máy cày làm đất đến đó để trồng dưa hấu. Chị Phan Thị Nhung cùng chồng sảo đất (dùng rổ sảo rây lấy đất bột) ươm hạt giống trồng dưa hấu, cho hay: Cả cánh đồng Nai vừa thu hoạch xong vụ lúa rồi chuyển sang trồng dưa nên người dân quanh vùng gọi là vụ dưa hấu sau lúa. Trước đây lúa tiếp lúa (vụ đông xuân rồi đến vụ hè thu), có năm gặp nắng hạn kéo dài, hồ Đồng Tròn không đủ nước tưới, người dân đặt máy bơm hút nước từ giếng trong nhà bơm ra tưới cũng không đủ chống hạn, lúa chết trắng đành phủi tay về không. Năm nay, dự báo nắng hạn kéo dài nên bà con nông dân ở đây chuyển sang trồng dưa hấu.
Ông Nguyễn Văn Thành, đang lên luống trồng dưa phủ bạt cánh đồng Nai, nói: Giá dưa hấu hiện nay 6.500 đồng/kg, năng suất dưa trung bình trồng ở đất này đạt 2 tấn/sào, với thời gian trồng 2,5 tháng, sau khi trừ chi phí, thu lãi ít nhất 7 triệu đồng/sào, tương đương 140 triệu đồng/ha. Đây là vụ thứ ba liên tiếp, đến vụ hè thu, tôi chuyển đổi đất lúa sang trồng dưa tiết kiệm nước tưới.
Hiện nay, giá dưa hấu tăng cao nên nhiều nông dân ở huyện miền núi cũng đầu tư trồng. Ông Nguyễn Văn Dũng, một người dân ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) đang làm đất trồng dưa, nói: Tôi trồng 4 sào dưa dọc theo sông Trà Bương. Với giá dưa tăng như hiện nay, sắp đến trừ chi phí tôi thu lãi thấp nhất khoảng 60 triệu đồng. Còn nếu tiếp tục trồng lúa thì rất bấp bênh vì xa nguồn nước tưới.
Ông Lâm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3, cho biết: Vụ hè thu này, các cánh đồng thôn Thạnh Đức, Phước Nhuận hưởng nước tự chảy của hồ chứa nước Phú Xuân, do xa nguồn nước nên xã chuyển đổi 100ha đất lúa sang trồng rau màu, trong đó có 50ha trồng dưa hấu. Năm nay, giá dưa tăng cao, vụ dưa thu hoạch vừa qua trong số 10 người trồng dưa thì có đến 9 người lãi khá, nên nhiều người mạnh dạn đầu tư trồng.
BẮP LAI TRÊN VÙNG HẠN
So với các địa phương khác thì huyện Tây Hòa là địa phương có diện tích trồng bắp lai cao nhất. Trong năm 2016, nông dân trên địa bàn huyện trồng 700ha bắp, trong đó có 200ha chuyển đổi từ đất lúa thiếu nước sản xuất bấp bênh, tập trung ở thị trấn Phú Thứ và các xã Hòa Thịnh, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Mỹ Đông, Sơn Thành Đông…
Ông Nguyễn Văn Can, nông dân trồng bắp lai ở xã Hòa Mỹ Đông, cho biết: Giống bắp lai chịu hạn tốt, ít nhiễm sâu bệnh; trái to, dài, hạt đều chắc. Với năng suất đạt 80 tạ/ha, giá bán hiện nay là 6.000 đồng/kg, người trồng bắp thu nhập gần 50 triệu đồng/ha. Trong khi đó, nếu trồng lúa năng suất đạt 60 tạ/ha, giá bán 5.600-5.800 đồng/kg, thì thu nhập chỉ đạt 30 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với trồng bắp.
Còn ông Đinh Văn Hòa, nông dân ở thị trấn Phú Thứ, cho hay: Tôi trồng 2 sào bắp lai, thu hoạch sớm bán với giá 5.500 đồng/kg, bỏ túi 4,5 triệu đồng, sau khi trừ chi phí phân, công làm cỏ, giống… khoảng 2,4 triệu đồng, còn lãi hơn 2 triệu đồng. Sắp đến tôi tiếp tục trồng bắp tháng 8 (thu hoạch tháng 8). Trồng bắp trên vùng này ăn chắc vì không tốn nhiều nước như trồng lúa.
Ông Võ Văn Cho, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Thứ, thông tin: Vùng trồng bắp thị trấn Phú Thứ có diện tích gieo trồng khoảng 50ha, trước đây địa phương đầu tư làm kênh mương dẫn nước trồng lúa nhưng do nguồn nước không đủ tưới, nông dân chuyển sang trồng bắp lai với các giống chủ yếu là 9698, CP888, G49, SK100… Từ nhiều năm nay, toàn bộ sản lượng bắp trên địa bàn sau khi thu hoạch, bà con chỉ cần thông báo là đại lý tới tận nhà để thu mua.
Tại xã Hòa Thịnh, mô hình trồng bắp lai với diện tích 60ha trên vùng đất thiếu nước cũng giúp nông dân thu lãi 18 triệu đồng/ha. Phó Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa Nguyễn Văn Tân cho biết: Trước tình hình nắng hạn, huyện Tây Hòa có chủ trương chuyển đổi nhiều diện tích lúa nước qua cây trồng cạn. Phòng NN-PTNT cùng lãnh đạo địa phương xác định bắp lai là cây dễ trồng, đầu tư ít, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tích cực vận động người dân địa phương tham gia trồng bắp lai để tăng thu nhập.
Mấy năm gần đây vào mùa khô, nước các hồ thủy lợi luôn ở mức thấp nên việc cung cấp nước tưới cho cây trồng vụ hè thu gặp nhiều khó khăn. Một số vùng trồng lúa bị thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng và thu nhập của người dân. Vì vậy, việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây khác thích ứng với biến đổi khí hậu là hướng đi cấp thiết hiện nay. Dự kiến trong năm 2016, diện tích chuyển đổi trong toàn tỉnh là khoảng 760ha, trong đó chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa khoảng 197ha, đất 1 vụ lúa khoảng 563ha. Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã xây dựng và triển khai các mô hình luân canh trên đất lúa khác, như mô hình lúa - dưa hấu phủ bạt, lúa - đậu - dưa, dưa - mướp đắng - dưa… đạt doanh thu từ 90-150 triệu đồng/ha.
TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT |
TRÂM TRÂN