Chủ Nhật, 20/10/2024 02:16 SA
Ngành Mía đường Phú Yên trước thềm thực hiện Hiệp định TPP
Thứ Tư, 20/04/2016 09:09 SA

Nhờ cây mía nhiều nông dân đã thoát nghèo bền vững - Ảnh: T.TIÊN

Việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như các hiệp định thương mại khác, buộc Việt Nam phải mở cửa, gỡ bỏ các hạn ngạch nhập khẩu. Vì vậy, ngành Mía đường cả nước nói chung, tỉnh Phú Yên nói riêng sẽ gặp phải nhiều khó khăn do mía năng suất thấp, chi phí sản xuất cao hơn so với các nước trong khu vực và thế giới.

 

CÂY GIẢM NGHÈO TRÊN VÙNG ĐẤT KHÓ

 

Những năm gần đây, giá mía ổn định trên dưới 900.000 đồng/tấn, nên nhiều nông dân trồng mía ở Phú Yên nhanh chóng mở rộng diện tích và đến nay đã lên đến 26.220ha (vượt hơn 7.000ha so với quy hoạch của tỉnh). Năm 2015, mía đạt tổng sản lượng hơn 1.600 tấn, năng suất bình quân 63,6 tấn/ha. Nhờ cây mía mà nhiều nông dân đã thoát nghèo và có thu nhập cao với trung bình 1ha lãi từ 20-40 triệu đồng, có hộ trồng diện tích lớn thu lãi tiền tỉ. Các nhà máy đường trong tỉnh cũng nộp ngân sách nhà nước trung bình hàng năm hơn 80 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động công nghiệp với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng và tạo việc làm gián tiếp cho hàng vạn lao động nông thôn, miền núi...

 

“Tôi trồng hơn 70ha mía. Nhờ chính sách hỗ trợ đầu tư sản xuất và thu mua mía của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP), mỗi năm tôi lãi gần 1 tỉ đồng”, ông Hà Châu Ánh, nông dân trồng mía ở xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa, phấn khởi nói.

 

Tương tự, cách đây 15 năm, ông Võ Văn Út ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa chỉ có 3ha mía, năng suất trung bình 25 tấn/ha, nay đã ký hợp đồng với KCP 50ha, năng suất đạt hơn 70 tấn/ha, vụ vừa qua lãi hơn 500 triệu đồng. Theo ông Út, ngoài các chính sách ưu đãi cùa Nhà nước, từ khâu trồng, chăm sóc đến thu mua mía đều do KCP đầu tư, hỗ trợ nên người nông dân mới đứng vững và phát triển kinh tế được trên vùng đất núi.

 

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, cùng với cây sắn, cây mía đã góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội cho các huyện miền núi trong tỉnh. Nhờ đó mà người nông dân cũng có thu nhập cao và ngày càng tự tin, gắn bó mật thiết với cây mía và các nhà máy đường.

 

LO NGẠI ỨNG PHÓ VỚI TPP

 

Điều mà các doanh nghiệp trong ngành Mía đường và nông dân Phú Yên lo ngại là sắp tới đây, sản phẩm đường của 11/12 nước thành viên TPP sẽ có mặt ở thị trường trong nước với giá thành thấp hơn nhiều. Trong khi đó, năng suất mía ở Phú Yên hiện chỉ đạt 63,6 tấn/ha, thấp hơn khoảng 1 tấn/ha so với bình quân cả nước và trung bình 1ha mía chỉ cho 5 tấn đường, thấp hơn gần 2 tấn/ha so với các nước thành viên TPP.

 

Tuy nhiên, cái khó khăn nhất hiện nay là phần lớn diện tích trồng mía ở Phú Yên chỉ dựa vào nước trời; trong khi biến đổi khí hậu làm nắng hạn ngày càng gay gắt, hầu hết nông dân vẫn còn áp dụng phương pháp canh tác truyền thống. Đây là những hạn chế rất khó khắc phục trong điều kiện hiện nay. Thực tế cho thấy, vụ mía năm 2014-2015, tỉnh phấn đấu nâng năng suất bình quân lên 70 tấn/ha, nhưng cũng chỉ đạt 63,6 tấn/ha.

 

Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc KCP, cho rằng, để đứng vững khi tham gia TPP, ngoài việc đầu tư nâng công suất nhà máy, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm đường, doanh nghiệp còn đặc biệt chú trọng đến chế biến các sản phẩm sau đường và tiếp tục có những chính sách hỗ trợ đầu tư cho nông dân thâm canh tăng năng suất mía. Về phía nông dân, cần phải tích cực hơn trong phối hợp, gắn kết với công ty thực hiện tốt các chính sách đề ra. Có như vậy, cả doanh nghiệp và nông dân mới tồn tại và phát triển bền vững trong mọi điều kiện.

 

Để chủ động ứng phó với TPP, theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc, Phú Yên đã đề ra mục tiêu giảm diện tích, tăng năng suất cây mía từ 63,6 tấn/ha hiện nay lên 80 tấn/ha vào năm 2020. Tỉnh đang triển khai thực hiện mạnh các mô hình cánh đồng mẫu lớn trên diện tích hơn 300ha, năng suất từ 90-120 tấn/ha. Trước mắt, tỉnh đang kêu gọi các nhà máy hỗ trợ vốn cho nông dân đầu tư thiết bị cơ giới hóa vào canh tác mía nhằm nâng cao năng suất, giảm áp lực lao động.

 

Ngoài việc tập trung tái cơ cấu trồng mía theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, tỉnh sẽ kiến nghị Chính phủ sớm hình thành Quỹ Bình ổn giá cho sản phẩm đường theo Luật Giá năm 2012; đồng thời cho phép các doanh nghiệp chế biến mía đường được hạch toán chi phí đầu tư hạ tầng vùng nguyên liệu vào giá thành. Trong quá trình tái cấu trúc lại ngành Nông nghiệp, ngành Mía đường Phú Yên cần gắn chặt bốn nhà (Nhà nước, nhà máy, nhà khoa học và nhà nông), tạo bước đột phá trong sản xuất mía đường, giúp ngành Mía đường vượt qua thách thức, phát triển ổn định, bền vững.

 

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc

 

PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek