Thứ Tư, 23/10/2024 08:29 SA
Bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng trồng
Thứ Năm, 10/03/2016 08:19 SA

Người dân xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, phá bỏ đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng rừng sản xuất

Sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế - xã hội đã làm nhiều diện tích rừng của tỉnh bị lấn chiếm, chuyển đổi. Vì vậy, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

 

GÓP PHẦN XÓA ĐÓI, GIẢM NGHÈO

 

Theo Sở NN-PTNT, khoảng 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có 200ha rừng bị xâm lấn trái phép, 100ha chuyển mục đích sử dụng để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, xảy ra 846 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Để phục hồi diện tích rừng bị mất, những năm qua, Sở NN-PTNT đã triển khai nhiều dự án đầu tư như KFW6, FLITCH, JICA2, các dự án thuộc kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng, đồng thời thu hút các doanh nghiệp tư nhân trồng rừng sản xuất như Bình Nam, Trường Thành, Bảo Châu, Cao Nguyên Lâm, Lâm Sản Toàn Cầu... Theo thống kê, đến năm 2015, toàn tỉnh đã trồng hơn 77.800ha rừng, góp phần đưa tỉ lệ che phủ rừng đạt khoảng 38%.

 

Với giá gỗ rừng trồng như hiện nay (từ 1,3-1,4 triệu đồng/ tấn), việc trồng rừng sản xuất đã tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Việc bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua không chỉ có ý nghĩa về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn tạo việc làm cho khoảng 8.370 hộ gia đình với 26.000 lao động; trong đó có 7.000 hộ nghèo. Các chỉ tiêu trồng mới, khoanh nuôi tái sinh, chăm sóc và bảo vệ rừng hàng năm đều đạt kế hoạch đề ra.

 

Theo Sở NN-PTNT, giai đoạn 2011-2015, trung bình mỗi năm toàn tỉnh trồng được 5.000ha rừng, nâng độ che phủ từ 34,3% năm 2010 lên 38% vào năm 2015. Rừng trồng không những tăng về diện tích, mà năng suất cũng tăng lên nhờ sử dụng các giống có năng suất cao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp cấy mô, giâm hom… Nhiều hộ gia đình đã giàu lên từ kinh tế rừng, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và giữ vững quốc phòng - an ninh của tỉnh.

 

NÂNG CHẤT LƯỢNG RỪNG TRỒNG

 

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc, việc trồng rừng trong những năm qua còn nhiều khó khăn, yếu kém, tồn tại như chất lượng, năng suất rừng trồng còn thấp so với các địa phương khác; thu nhập từ rừng trồng chưa cao, kinh tế rừng phát triển chưa đồng bộ, người nghèo, người dân miền núi tham gia trồng rừng chưa nhiều. Công tác bảo vệ rừng còn lỏng lẻo; ở một số nơi trong tỉnh tình trạng khai thác gỗ lậu chưa được ngăn chặn kịp thời; việc lấn chiếm rừng để trồng sắn, mía, việc quản lý vùng quy hoạch sản xuất nông lâm nghiệp còn những hạn chế, dẫn đến nhiều diện tích quy hoạch lâm nghiệp bị sử dụng sai mục đích. Ngoài ra, sự phối hợp giữa Sở NN-PTNT với UBND các huyện, xã và các địa phương lân cận chưa chặt chẽ, đồng bộ nên rừng tự nhiên bị lấn chiếm nhiều. Nhiều diện tích rừng phi lao ven biển bị phá để nuôi tôm trái phép…

 

Theo ông Nguyễn Lý Nguyên, hiện nay, biến đổi khí hậu đang diễn biến hết sức phức tạp. Từ năm 2014-2015, Phú Yên phải gánh chịu hạn hán kéo dài gây thiệt hại lớn đến sản xuất, nhiều diện tích rừng bị cháy, chết đứng, có năm gần 1.000ha. Nguồn nước ngầm bị suy giảm do diện tích rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp. Vì vậy, việc khôi phục, tăng độ che phủ rừng để bảo vệ môi trường trở thành một nhiệm vụ hết sức bức bách của cả hệ thống chính trị và người dân để giảm nhẹ thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế.

 

Cũng theo ông Nguyên, Phú Yên đang thực hiện đề án Tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu nhằm phát triển lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh phát triển kinh doanh rừng trồng sản xuất gỗ lớn, lâm sản ngoài gỗ để cung cấp nguyên liệu cho chế biến gỗ. Đồng thời, đề án này còn tổ chức quản lý bảo vệ vốn rừng tự nhiên hiện có nhằm bảo tồn hiệu quả các hệ sinh thái rừng tự nhiên và đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng rừng phòng hộ, đặc dụng theo hướng trồng cây đa tác dụng, đa mục tiêu, đảm bảo vai trò phòng hộ lâu dài bền vững của rừng.

 

Tăng cường thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng năm 2016

 

Các ngành, địa phương phải tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân về vai trò, tác dụng to lớn, lợi ích toàn diện và giá trị của việc trồng cây, trồng rừng, tạo phong trào “Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây, toàn dân trồng cây, trồng rừng” gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; các địa phương, đơn vị phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về hiện trường, cây giống đảm bảo chất lượng, vật tư, nhân lực, kinh phí để thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng năm 2016 và tổchức chăm sóc, bảo vệđểcây trồng phát triển tốt. Các địa phương tập trung bảo vệ tốt vốn rừng hiện có, không để xảy ra cháy rừng, khai thác rừng trái phép, xâm lấn đất rừng làm rẫy; khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng để tái đầu tư phát triển lâm nghiệp, tập trung trồng rừng thay thế cho diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Ngoài ra, các ngành, các cấp tập trung củng cố hệ thống tổ chức quản lý nhà nước ngành lâm nghiệp; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và bảo vệ rừng.

 

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc

 

PHƯƠNG NAM 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek