Thứ Tư, 23/10/2024 12:25 CH
Một tập thể làm tốt Chương trình 135
Thứ Ba, 08/03/2016 14:00 CH

Phòng Dân tộc huyện Sơn Hòa đã xây dựng thành công mô hình lúa nước cho đồng bào dân tộc ở xã Krông Pa - Ảnh: M.DUYÊN

Nhờ triển khai tốt Chương trình 135, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn được xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất, tập thể Phòng Dân tộc huyện Sơn Hòa được UBND tỉnh tặng bằng khen.

 

Toàn huyện Sơn Hòa có 11 xã thụ hưởng Chương trình 135. Đây là những xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và là xã khó khăn với điều kiện hạ tầng cơ sở hạn chế, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, thu nhập của người dân bấp bênh với tỉ lệ hộ nghèo cao. 5 năm qua, nhờ có nguồn vốn 135, đồng bào được hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và đầu tư hạ tầng cơ sở, từ đó giúp giảm tỉ lệ hộ nghèo, nâng mức sống vùng miền núi.

 

Theo Phòng Dân tộc huyện Sơn Hòa, nguồn vốn Chương trình 135 hỗ trợ cho huyện Sơn Hòa gần 46 tỉ đồng. Trong đó, hơn 6,3 tỉ đồng hỗ trợ sản xuất và hơn 39 tỉ đồng hoàn thiện hạ tầng cơ sở. Ông ALê Y Bớ, Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Hòa, cho biết: Hàng năm, sau khi có quyết định phân bổ vốn của UBND tỉnh, lãnh đạo phòng cử cán bộ tới từng thôn, xã khảo sát thực tế, lấy ý kiến đề xuất, đồng thời chọn đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công để trình UBND huyện phê duyệt, theo hướng đầu tư có trọng điểm vào các hạng mục công trình thuộc danh mục Chương trình 135. Nhờ vậy, nhiều công trình, mô hình từ nguồn vốn Chương trình 135 đã phát huy hiệu quả, vượt ra khỏi phạm vi một xã, trở thành điển hình trong hỗ trợ phát triển kinh tế vùng. Điển hình có công trình chợ Trà Kê (xã Sơn Hội) và mô hình lúa nước (xã Krông Pa). Công trình chợ Trà Kê được đầu tư nâng cấp vào năm 2012 với kinh phí hơn 1,3 tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình 134, 135. Chợ Trà Kê được xây dựng cùng với hệ thống giao thông liên xã, liên thôn được hoàn thiện, đã đưa hàng hóa từ đồng bằng lên miền núi, thu hút người dân tới đây mua bán sản phẩm. Vượt ra khỏi xã Sơn Hội, công trình không chỉ đáp ứng mọi nhu cầu sinh hoạt của người dân mà còn góp phần xóa bỏ tập quán tự cung tự cấp, thúc đẩy giao thương cho nhân dân ở ba xã Sơn Hội, Phước Tân và Cà Lúi.

 

Trong khi đó, mô hình lúa nước trên cánh đồng xã Krông Pa giúp đồng bào thay đổi tập quán canh tác cũ lạc hậu. Để đưa được cây lúa nước vào cánh đồng, gắn với làm thủy lợi, dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa và kỹ thuật bón phân… là cả một sự nỗ lực, vừa kiên quyết vừa kiên trì, mềm mỏng của cán bộ phòng dân tộc và chính quyền các cấp. Từ nguồn vốn 30 triệu đồng của Chương trình 135, mô hình bắt đầu thực hiện vào năm 2013, trên diện tích 2 sào, được hỗ trợ 100% kinh phí. Sau khi cây lúa cho sản lượng cao, chất lượng tốt, đồng bào bắt đầu tin tưởng. Cán bộ tiếp tục vận động để thực hiện dồn điền đổi thửa. Từ một số hộ dân buôn Chơ tự nguyện dồn diện tích đất lúa rẫy để tiến hành làm thủy lợi, san ủi đồng ruộng đã lan rộng đến buôn Học, nhờ vậy diện tích đã mở rộng ra gần 36ha. Diện tích này thuận lợi cho việc cày máy, phun thuốc, bón phân và thủy lợi nội đồng… nên sản lượng lúa tăng cao.

 

Ông Nguyễn Văn Thân, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Hòa, cho biết: Trong hỗ trợ sản xuất, Phòng Dân tộc huyện quan niệm không hỗ trợ theo kiểu “cho không” mà gắn hỗ trợ cây, con giống, phân bón, nông cụ sản xuất… với các mô hình sản xuất. Qua đó, đồng bào chuyển biến về nếp nghĩ, cách làm, biết học tập và áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất, biết làm ruộng lúa nước 2 vụ, biết thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, cải thiện hóa đàn gia súc gia cầm, dùng máy móc thiết bị để cơ giới hóa. Thành công mô hình lúa nước trên cánh đồng xã Krông Pa là một minh chứng.

 

Ma Ri ở buôn Thứ, chia sẻ: “Bao đời nay, đồng bào chỉ làm lúa rẫy, sản lượng thấp, chỉ đạt 50 tạ/ha. Nghe cán bộ phòng dân tộc hướng dẫn dồn điền để làm cây lúa nước, sản lượng đạt tới 70 tạ/ha nên tôi làm theo. Bây giờ, gia đình tôi không còn phải lo thiếu lúa, gạo nữa”.

 

Những năm qua, cùng với nguồn vốn Chương trình 135 và các chương trình khác đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc, đã giúp giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số từ 2.327 hộ vào đầu năm 2011 xuống còn 1.329 hộ năm 2015, đạt tỉ lệ giảm bình quân 7,53%/năm. Có được kết quả này là nhờ sự đóng góp tích cực của cán bộ Phòng Dân tộc huyện Sơn Hòa. Không chỉ tích cực bám địa bàn vận động tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào, tập thể phòng còn làm tốt công tác tham mưu, giúp UBND huyện thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn huyện. Tập thể Phòng Dân tộc huyện Sơn Hòa xứng đáng với bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì những đóng góp về triển khai có hiệu quả nguồn vốn Chương trình 135.

 

Ông Nguyễn Văn Cư, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa

 

M.DUYÊN - T.NHUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek