Thứ Tư, 23/10/2024 22:33 CH
Lúa gạo đỏ hút hàng, nông dân không có bán
Thứ Năm, 03/03/2016 08:00 SA

Lúa gạo đỏ trồng tại xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) - Ảnh: L.TRÂM

Hàng chục năm nay, nông dân các xã miền núi của huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa và các xã An Hòa, An Hiệp, An Thọ, An Lĩnh của huyện Tuy An luôn giữ giống lúa gạo đỏ quý hiếm, trồng trên các chân đất gò đồi. Giống lúa này cho hạt gạo thơm, ngon nên nhiều người tìm mua với giá rất cao, nhưng nông dân lại không có bán.

 

Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng Phòng kỹ thuật Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên, cho biết: Hiện nông dân miền núi còn trồng giống lúa To Đá, Ba Trăng, Trắng Cúc, Trắng Rặc, Bát Quạt, Đuôi Nai và Tàu Cúc... Loại giống này có trước năm 1965, thời gian sinh trưởng dài ngày, thường trồng trên vùng gò đồi thưa thớt nên khó bị lẫn tạp, độ thuần tương đối tốt.

 

Bà Mang Thị Mén ở thôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) ngồi bán gạo lúa đỏ ở chợ Xuân Lãnh, cho hay: Nhà tôi trồng 1 giạ (khoảng 20-22kg) giống lúa To Đá (gạo đỏ) trên diện tích 1.000m2, thu hoạch được 8 bao lúa (mỗi bao khoảng 50kg). Sau khi thu hoạch, có nhiều người hỏi mua nên tôi “nhín” bán một ít, còn để ăn giáp hạt trong gia đình. Cách đây một tuần, tôi đem bán thúng gạo đỏ, với giá 20.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với các loại gạo ngon khác bán trong chợ.

 

Còn bà Nguyễn Thị Bé ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) cho hay, bà vừa đi chợ xã mua được 50kg lúa gạo đỏ với giá 13.000 đồng/kg, trong khi đó các loại lúa khác chỉ ở mức 4.500 đồng/kg.

 

Theo ông Nguyễn Văn Long, một người làm nghề xay xát gạo ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), lâu lâu mới có người đem lúa gạo đỏ đến xay, nhưng họ dặn chỉ xay tách vỏ trấu, để lại cám gạo màu đỏ, vì đây là phần quý của gạo. Chính phần cám gạo màu đỏ làm nên thương hiệu gạo.

 

Loại giống lúa gạo đỏ mà người dân các xã miền núi ở huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa trồng là giống To Đá, Đuôi Nai, Trắng Rặc. Giống lúa này có từ lâu, qua hàng chục năm, nông dân vẫn còn giữ giống cho đến nay. Các giống lúa này thường gieo trên các chân đất rẫy, gò đồi khô hạn, nên gọi là lúa thổ. Đặc điểm các giống lúa là có khả năng chịu hạn cao. Có thời điểm hạn gay gắt, cây lúa khô héo, thế nhưng khi trời mưa xuống lúa ra lá non và lớn nhanh. Thời gian sinh trưởng 4 tháng, có giống 5 tháng, nên trong năm chỉ sản xuất được 1 vụ vào những tháng mùa mưa; thường xuống giống vào tháng 9 âm lịch.

 

Trồng giống lúa này thường trỉa hoặc gieo khô (vãi lúa trên đất khô rồi cày vùi lấp, chứ không phải ngâm ủ giống và sạ). So với trồng lúa nước thì lúa thổ gieo khô nên nhọc công làm cỏ. Loại cỏ lông heo, cỏ hành, cỏ hẹ mọc đan xen, nên nông dân phải dùng lưỡi quằn (cuốc lưỡi nhỏ) để cuốc cỏ lúa. Lúa từ khi trồng đến khi trổ đòng, nông dân không phun thuốc; khi chín thì gié lúa phơi màu hạt sáng trưng.

 

Ông Bùi Văn Thanh ở xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, cho biết: Gần đây có nhiều người đến hỏi mua lúa gạo đỏ giá 15.000 đồng/kg với số lượng lớn, nhưng không có để bán. Hiện nhiều người ở đây đang nhân rộng việc trồng loại giống lúa này.

 

Năm 2011, Sở NN-PTNT triển khai đề tài Bảo tồn và phát triển lúa gạo đỏ Bát Quạt, Đuôi Nai và Tàu Cúc, tại xã An Hòa và An Hiệp của huyện Tuy An. Các giống lúa này có giá trị dinh dưỡng cao, được người dân lưu giữ từ năm này qua năm khác để sản xuất trên các chân đất gò đồi. Việc nghiên cứu, bảo tồn thành công các giống lúa gạo đỏ nhằm bảo tồn các nguồn gen quý và tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng.

 

Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp, Sở NN-PTNT

 

TRÂM TRÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek