Ngày tích nước của công trình thủy điện Sông Ba Hạ đang cận kề. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 80% hộ dân buôn Bầu xã Ea Bá (Sông Hinh) không chịu di dời vào khu tái định cư. Vướng mắc do đâu?
Khu tái định cư buôn Chao đã hoàn thành hạ tầng đang chờ người dân buôn Bầu đến định cư – Ảnh: N.T
Công trình thủy điện Sông Ba Hạ nằm trên địa bàn các huyện Sơn Hoà, Sông Hinh (Phú Yên) và Krông Pa (Gia Lai) có hồ chứa nước rộng 5.303 ha sẽ làm ngập 11 thôn, buôn. Trong khu vực xây dựng công trình có 404 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống phải di dời nhà ở đến các khu tái định cư. Đến nay, đã có 10 thôn, buôn hoàn tất việc di dời dân ổn định cuộc sống tại 5 khu tái định cư. Tuy nhiên, việc vận động di dời ở buôn Bầu lại hết sức khó khăn do chưa tạo được sự đồng thuận của phần lớn người dân trong buôn.
Để thực hiện tái định cư cho 74 hộ đồng bào dân tộc Ê đê buôn Bầu, Ban quản lý (BQL) dự án Thuỷ điện 7 đã đầu tư xây dựng khu tái định cư tại buôn Chao cũng thuộc địa phận xã Ea Bá cách buôn Bầu gần 10 km về phía tây bắc. Khu tái định cư có mặt bằng rộng 18 ha đã hoàn thiện giao thông nội vùng, lưới điện, giếng nước và các công trình nhà văn hoá cộng đồng, trường mẫu giáo và 2 phòng học, được bàn giao cho huyện Sông Hinh từ đầu năm 2007 để tổ chức di dời dân. Ngoài ra, BQL dự án Thuỷ điện 7 cũng đã đầu tư san ủi đồng ruọâng bên cạnh khu tái định cư trên diện tích 44,3 ha sử dụng nước đập dâng buôn Chao đã được huyện đầu tư xây dựng trước đó, sản xuất lúa 2 vụ để đền bù cho người dân bị thu hồi đất. Tổng giá trị đầu tư của BQL dự án Thuỷ điện 7 tại đây hơn 20 tỉ đồng.
Tuy nhiên, việc vận động, tổ chức di dời dân buôn Bầu đến khu tái định cư này trong thời gian qua rất chậm chạp, khó khăn. Mặc dù BQL dự án thuỷ điện 7 có chủ trương thưởng 5 triệu đồng/hộ chịu di dời đợt đầu, nhưng chỉ có 14 trong tổng số 74 hộ nhận tiền đền bù đồng ý di chuyển nhà ở và cũng chỉ mới có hộ ông Ma Tương xây dựng xong nhà tại khu tái định cư buôn Chao. Đồng ruộng buôn Chao cũng trong giai đoạn hoàn thiện, bước đầu huyện đã giao đất sản xuất cho 40 hộ, trong đó có 14 hộ buôn Bầu. Mỗi hộ đến định cư được cấp 400 m2 đất ở, 1.000 m2 đất vườn liền kề đất ở và 2.000 m2 ruộng sản xuất lúa nước 2 vụ.
Trưởng buôn Bầu Ma Nghi cho biết, 14 hộ đồng ý tái định cư tại buôn Chao chủ yếu là những cán bộ, đảng viên phải chấp hành chủ trương của huyện hoặc những hộ không còn đất sản xuất; số hộ còn lại (trong đó có cả các nhà buôn trưởng, buôn phó) không ai chịu đi. Ông Ma Nghi giải thích: Sau khi Nhà nước thu hồi đất bị ngập, bà con vẫn còn nhiều đất để sản xuất, trong đó có nhiều hộä còn 5- 7 ha, đủ để bà con tiếp tục canh tác ổn định cuộc sống. Hơn nữa nơi đây gần thị trấn Hai Riêng thuận tiện cho việc sinh hoạt, học hành của con em. Còn đến buôn Chao xa gần 10 km, mà chỉ có 2 sào ruộng lúa thì không đủ sống.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đặng Đình Toại cho rằng: Buôn Chao có sẵn công trình thuỷ lợi, sản xuất lúa nước sẽ ổn định đời sống lâu dài cho bà con dân tộc thiểu số. Nơi này đất đai rộng rãi thuận lợi phát triển chăn nuôi gia súc. Còn hộ nào có nhu cầu thêm đất sản xuất thì có thể chuyển nhượng với dân tại chỗ. Vấn đề này đã đưa vào Nghị quyết của Huyện uỷ Sông Hinh. Tuy nhiên, khi hỏi đến lúc nào Sông Hinh có thể hoàn tất việc di dời toàn bộ dân buôn Bầu, ông Toại không nêu được thời gian cụ thể mà chỉ nói vào trước mùa mưa năm nay.
Ông Lê Trung Thành, Trưởng phòng Môi trường và tái định cư thuộc BQL dự án Thủy điện 7 cho biết: Với mực nước dâng bình thường của hồ thuỷ điện đến cao trình 105 m, thì buôn Bầu chỉ ngập 1/3 diện tích với 131 ha đã được chúng tôi bồi thường, người dân vẫn còn hơn 200 ha đất sản xuất, bình quân gần 3 ha/hộ. Nay mai hồ thuỷ điện hình thành, bà con còn có thể nuôi trồng, khai thác thuỷ sản tăng thêm thu nhập nữa. Đây là những lý do người dân không chịu đi xa. Khi thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, chúng tôi đưa ra các phương án xây dựng khu tái định cư để họ lựa chọn, người dân buôn Bầu đều ký vào biên bản phản đối việc di dời làng đến buôn Chao mà chọn phương án xây dựng tái định cư khu vực hai bên đường vào xã Ea Bá gần nơi ở cũ nhưng huyện quyết định chọn buôn Chao nên chúng tôi phải nghe theo. Nếu đầu tư xây dựng khu tái định cư tại chỗ thuận tiện hơn nhiều so với địa điểm buôn Chao và kinh phí đầu tư cũng thấp hơn nhiều.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng khu tái định cư buôn Chao đã thiếu quan tâm thấu đáo nguyện vọng của dân nên đang gặp khó khăn trong việc di dời, giải phóng mặt bằng. Số hộ dân buôn Bầu còn lại đều tỏ thái độ nhất quyết không chịu đến định cư tại buôn Chao đang là thách thức cho việc tích nước công trình thuỷ điện Sông Ba Hạ vào cuối tháng 8 này, để phát điện tổ máy số 1 vào đầu năm 2008. Lãnh đạo huyện Sông Hinh và BQL dự án thuỷ điện 7 cần xem xét nguyện vọng của dân, bố trí tái định cư phù hợp, tích cực di dời dân để không ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nhà máy thuỷ điện có công suất 220 MW này.
NGUYÊN TRƯỜNG