Chủ Nhật, 27/10/2024 00:26 SA
Xây dựng nhà rông văn hóa vùng miền núi:
Nơi “giữ lửa” cho đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ Bảy, 09/01/2016 11:21 SA

Từ nhà rông văn hóa, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới được với từng hộ đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh: M.DUYÊN

Ở miền núi, nhà rông văn hóa là nơi những chính sách của Đảng và Nhà nước được truyền đạt đến các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng từ đây, kinh nghiệm sản xuất, những cách làm kinh tế mới được chia sẻ và bản sắc văn hóa các dân tộc được lưu giữ…

 

ĐỒNG LÒNG XÂY DỰNG NHÀ RÔNG VĂN HÓA

 

Toàn tỉnh có 108 thôn khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong giai đoạn 2011-2015, từ nguồn vốn của các chương trình, 90 nhà rông văn hóa được nâng cấp và xây mới, phục vụ việc sinh hoạt, giao lưu văn hóa của người dân. Huyện Đồng Xuân là địa phương đi đầu trong việc xây dựng nhà rông văn hóa tại 15 thôn đồng bào dân tộc thiểu số của huyện. Ông Phạm Văn Trung, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Xuân, cho biết: Thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh có 94 hộ đồng bào dân tộc Ba Na, được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà rông làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Từ đó, tỉnh có chủ trương xây dựng tại mỗi thôn, buôn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống một nhà rông, nhằm góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Sau thôn Xí Thoại, nhà rông văn hóa tại các thôn Hà Rai, Da Dù (xã Xuân Lãnh), Phú Đồng, Phú Lợi (xã Phú Mỡ)… lần lượt được xây dựng.

 

Bên cạnh nguồn vốn của Nhà nước thì sự đóng góp của nhân dân đã góp phần quan trọng vào sự phát triển nhà rông trên địa bàn các thôn. Nhiều hộ đồng bào sẵn sàng hiến đất xây công trình. Ông Ma Tư ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) đã hiến 500m2 đất xây nhà rông văn hóa buôn Chơ. Ma Tư cho biết: “Buôn Chơ chủ yếu đồng bào Ê Đê sinh sống. Nhiều năm qua, buôn không có nhà sinh hoạt cộng đồng. Những ngày lễ hội, hay những ngày cần họp dân, cả buôn phải tổ chức tạm ở điểm trường tiểu học, rất bất tiện. Năm 2014, được hỗ trợ kinh phí xây dựng, chỉ thiếu địa điểm thôi, nên tôi tình nguyện hiến đất của gia đình để làm nhà rông văn hóa thôn”.

 

NƠI THU HÚT NGƯỜI DÂN ĐẾN SINH HOẠT

 

Với đồng bào dân tộc thiểu số, nhà rông văn hóa là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Ông Mang Nựu, Trưởng thôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), cho biết: Có nhà rông văn hóa, bà con trong thôn được Thư viện tỉnh tặng hơn 100 đầu sách các loại, tạo điều kiện cho người dân đọc sách nâng cao kiến thức. Đồng bào trong thôn cũng đóng góp 30 triệu đồng mua mới bộ cồng chiêng phục vụ múa hát trong các lễ hội. Nhờ vậy, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ vững.

 

Nhà rông văn hóa cũng là nơi các hộ đồng bào giao lưu học hỏi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ lẫn nhau phát triển kinh tế. Theo Ma Dóc ở thôn Dốc Cát, xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa), tại nhà rông văn hóa, anh và nhiều bà con trong thôn được hướng dẫn kỹ thuật trồng mía, làm lúa nước. “Cán bộ nông nghiệp xã, huyện bày cách làm, có hình ảnh cụ thể trên ti vi, sau đó, mới đưa bà con tới ruộng làm thực tế. Cũng tại nhà rông, sau mỗi vụ thu hoạch, trưởng thôn sẽ nêu những hộ điển hình làm kinh tế giỏi. Các hộ này sẽ chia sẻ cách làm cho bà con để đạt năng suất lúa cao nhất… Nhờ đó, gia đình tôi đã có thu nhập 25 triệu đồng/năm, tăng 10 triệu đồng so với 5 năm trước” Ma Dóc nói. Còn Mang Nghệ, Trưởng thôn Da Dù, xã Xuân Lãnh, cho biết: Nhiều năm trước, trên địa bàn thôn, có lúc kẻ xấu lợi dụng tôn giáo để xuyên tạc nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết trong dân và giữa nhân dân với chính quyền với Đảng. Để hướng bà con làm theo pháp luật của Nhà nước, thông qua các buổi họp thôn ở nhà rông văn hóa, tôi đã vận động, tuyên truyền bà con. Từ những việc nhỏ như hòa giải tranh chấp, tôi cũng hẹn gặp hai bên tại nhà rông văn hóa để giải quyết công khai theo quy định của pháp luật. Hay việc thu chi những đóng góp của dân, tôi cũng dán công khai ở nhà rông văn hóa để bà con đều biết.

 

Trong chủ trương hoàn thiện hạ tầng cơ sở vùng miền núi, ngoài giao thông nông thôn, các công trình nước… thì nhà rông văn hóa cũng là một hạng mục công trình quan trọng. Nhà rông văn hóa là nơi gắn kết đồng bào, nhân lên khối đại đoàn kết dân tộc. Mọi giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, những kinh nghiệm sản xuất hay chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… muốn tới được từng hộ đồng bào phải thông qua già làng, trưởng thôn và địa điểm là nhà rông văn hóa thôn. Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh phấn đấu, 100% thôn vùng miền núi cơ bản có nhà rông văn hóa, mang đậm bản sắc văn hóa mỗi dân tộc.

Ông Phan Hữu Đại, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

 

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek