Chủ Nhật, 27/10/2024 16:17 CH
Quản lý vốn tại các hợp tác xã:
Gửi vốn vào ngân hàng vì thiếu phương án kinh doanh
Thứ Ba, 29/12/2015 11:00 SA

Trong khi nhiều HTX thiếu vốn để sản xuất kinh doanh thì một số đơn vị dư tiền để gửi ngân hàng lấy lãi. Các HTX này không có phương án kinh doanh hiệu quả lại sợ mất vốn của tập thể nên đã chọn giải pháp an toàn.

 

Đầu tư các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ giúp đồng vốn nhàn rỗi tại các HTX phát huy hiệu quả - Ảnh: M.DUYÊN

 

Tại HTX muối Tuyết Diêm (TX Sông Cầu), Hội đồng quản trị HTX cần hơn 2 tỉ đồng để mua xe tải mở thêm dịch vụ vận chuyển muối cho bà con. HTX đề xuất ngân hàng tạo điều kiện cho HTX vay vốn ưu đãi nhưng vốn của chính HTX thì lại mang gửi ngân hàng. Ông Nguyễn Văn Thứ, Giám đốc HTX muối Tuyết Diêm, cho biết: Năm 2015, HTX đạt tổng sản lượng 11.700 tấn muối, doanh thu hơn 753 triệu đồng, lãi trước thuế gần 343 triệu đồng. Tổng giá trị tài sản hiện có của HTX gần 4,4 tỉ đồng, cho doanh thu hàng năm gần 1,3 tỉ đồng, lãi sau thuế gần 600 triệu đồng. Để có thêm thu nhập từ đồng vốn nhàn rỗi, HTX đã gửi ngân hàng 2,6 tỉ đồng, hàng năm thu lãi gần 200 triệu đồng.

 

Một số HTX thì chấp nhận ngừng hoạt động chứ không chịu rút vốn đã gửi ngân hàng ra để mở dịch vụ duy trì hoạt động. Điển hình là HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình Tây 3 (huyện Sông Hinh). Ông Phạm Xuân Phương, Giám đốc HTX này, cho biết: Từ năm 2013, HTX đã ngừng hoạt động. Đến nay, số vốn còn lại của HTX là 111 triệu đồng đang gửi ngân hàng. Ngay từ năm 2013, HTX đề xuất UBND xã cho mở cây xăng nhưng không được chấp thuận. Đến đầu năm nay, HTX muốn xây dựng trạm cân sắn cho nhà máy nhưng cũng không được đồng ý. Hiện HTX chưa làm thủ tục giải thể nên số vốn còn lại, đơn vị chỉ còn biết mang gửi ngân hàng.

 

Do không có phương án kinh doanh phù hợp, không biết sử dụng đồng vốn hiệu quả nên các HTX chỉ còn biết gửi vốn vào ngân hàng như một cách đảm bảo an toàn vốn và tạo ra chút doanh thu. Liên quan đến HTX Đức Bình Tây 3, ông Trần Văn Ân, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây, cho biết: Hiện tài sản lưu động của HTX gần 223 triệu đồng, trong đó nợ đọng trong dân gần 92 triệu đồng, tiền mặt tồn quỹ chỉ còn 20 triệu đồng và 111 triệu đồng đang gửi ngân hàng. HTX để nợ đọng trong dân kéo dài, tiền mặt tại quỹ cũng chỉ đủ để thanh toán các khoản nợ nên vốn thực có của đơn vị là toàn bộ tiền đang gửi ngân hàng. Với số tiền này, HTX không đủ khả năng để mở cây xăng, hay trạm cân nông sản nên UBND xã không đồng thuận. HTX nên sử dụng nguồn vốn ít ỏi của mình đầu tư mở dịch vụ phục vụ sản xuất cho bà con như vật tư nông nghiệp, thủy lợi nội đồng, cung ứng lúa giống hay cày đất, tuốt lúa… Tuy nhiên, thay vì sử dụng nguồn vốn để đầu tư những dịch vụ phù hợp thì HTX lại để vốn trong ngân hàng và trụ sở thì đóng cửa ngừng hoạt động nhiều năm nay.

 

“HTX đã làm các dịch vụ nông nghiệp cả chục năm nay nhưng không hiệu quả. Sau khi khảo sát tình hình hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở điều kiện hiện có của địa phương, HTX nhận thấy chỉ có kinh doanh xăng dầu, hoặc làm dịch vụ phục vụ thu mua nông sản cho các nhà máy đóng trên địa bàn mới có thể mang lại doanh thu. Số vốn hiện có tại đơn vị tuy ít nhưng HTX có thể huy động thêm thành viên góp vốn. Ngoài hai hướng kinh doanh không được chấp thuận thì HTX không còn phương án kinh doanh nào khác. Vì vậy, để khỏi mất vốn, HTX chỉ có thể gửi ngân hàng”, ông Phạm Xuân Phương nói.

 

Còn theo ông Trần Đình Quang, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp 2 phường 9 (TP Tuy Hòa), 10 năm qua, HTX gửi ngân hàng hơn 2 tỉ đồng, hàng năm thu lãi trung bình 160 triệu đồng. Nguồn thu này được đưa vào vốn kinh doanh của HTX. Sở dĩ HTX không bỏ vốn ra mở thêm dịch vụ vì nhận thấy một số dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp đã bão hòa, đầu tư nữa sẽ không có lãi, để tồn kho nhiều có thể bị lỗ. HTX muốn tích vốn đến khi đủ kinh phí thì mở cây xăng nên mới dùng số vốn nhàn rỗi đó gửi ngân hàng. Theo sự đồng thuận của thành viên Hội đồng quản trị lúc đó thì gửi ngân hàng là cách an toàn nhất để không bị mất vốn của tập thể.

 

Tạo điều kiện cho các HTX phát huy vốn trong kinh doanh

 

Gửi vốn là thực trạng đang diễn ra tại số ít HTX trên địa bàn tỉnh. Điều này cho thấy khả năng quản lý tài chính, hoạch định phương án kinh doanh của các HTX còn hạn chế. Một số giám đốc HTX đã lớn tuổi, không còn nhạy bén với thị trường nên không dám mở rộng hoạt động. Thực tế, một số chủ nhiệm trước đây vì đứng ra vay vốn làm dịch vụ, tới khi thua lỗ phải một mình gánh toàn bộ nợ, dẫn tới tâm lý thận trọng với việc sử dụng đồng vốn của tập thể ở một số giám đốc HTX hiện nay.

 

Để lãnh đạo các HTX tích cực hòa nhập thị trường, dám nghĩ dám làm và làm có hiệu quả, Liên minh HTX tỉnh sẽ tổ chức các lớp tập huấn về xây dựng phương án kinh doanh, đẩy mạnh liên kết với các ngân hàng thương mại để vừa có sự hỗ trợ tích cực từ các đơn vị có vốn, vừa tạo động lực cho các HTX mở rộng kinh doanh dịch vụ.

 

Ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek