1. Về các chỉ tiêu thủy lý, thủy hoá thông thường
Kết quả xét nghiệm mẫu nước thu tại các vùng nuôi thủy sản ở các huyện Đông Hòa, Tuy An và Sông Cầu từ 28/6 đến 10/7/2007 cho thấy:
Tại các vùng nuôi tôm tập trung, độ mặn ngoài ao nuôi ít có biến động so với lần thu mẫu trước. Độ mặn nước biển tự nhiên ở các vùng nuôi tôm thuộc huyện Sông Cầu vẫn ở mức trên 33‰, độ mặn trong ao nuôi 34 - >35‰, đây là một trong những bất lợi đối với vùng nuôi tôm Sông Cầu vào mùa hè. Độ mặn quá cao làm cho tôm nuôi chậm lớn và dễ phát sinh bệnh. Vùng nuôi Tuy An, Đông Hoà độ mặn 20‰, ngưỡng lý tưởng để nuôi tôm. Hầu hết các vùng nuôi độ kiềm, pH nước đều nằm trong ngưỡng cho phép (80- 150ppm và 7,8- 8,3).
Kiểm tra tôm nuôi – Ảnh: N.L
Các chỉ tiêu về ô nhiễm dinh dưỡng: Hầu hết tại các điểm thu mẫu, các chỉ tiêu trên đều thấp, nằm trong ngưỡng cho phép, chứng tỏ các nguồn nước chưa xảy ra ô nhiễm dinh dưỡng. Cá biệt ở huyện Đông Hòa, hồ ông Tự (Đa Ngư, Hòa Hiệp Nam) và hồ ông Tiên (Hòa Xuân Đông) hàm lượng Nitric, Amoniac và tổng Phospho đều cao vượt ngưỡng cho phép trên 2 lần.
Các chỉ tiêu ô nhiễm hữu cơ: Có thể thấy rõ liên quan giữa ô nhiễm dinh dưỡng và ô nhiễm hữu cơ. Ở các ao có mức độ ô nhiễm dinh dưỡng cao, tảo và các vi sinh vật phát triển mạnh, dẫn đến các chỉ số BOD5 và Chlorophyll-a tăng cao vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Vì vậy, khi ao nuôi bị ô nhiễm dinh dưỡng phải tăng cường thay nước nhằm giảm bớt lượng chất dinh dưỡng tích lũy và giảm mật độ tảo trong ao. Nếu điều kiện không thay nước được thì phải tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh để chuyển hóa các chất độc sang dạng khác không gây hại cho tôm nuôi.
Ô nhiễm sắt và Hydrosulfua: Ở các điểm thu mẫu kỳ này hầu hết đều không phát hiện thấy ô nhiễm.
Về chỉ tiêu vi sinh: Hầu hết các điểm thu mẫu không phát hiện thấy ô nhiễm vi sinh.
2. Tình hình bệnh tôm:
Trong kỳ qua, tình hình tôm nuôi ở các địa phương ổn định, không có báo cáo về bệnh tôm. Ở các vùng nuôi tôm sú và tôm thẻ, hiện tượng phổ biến là tôm nuôi hơi chậm lớn, nguyên nhân có thể do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ nước tăng cao và biến động lớn giữa ngày và đêm làm giảm hoạt động bắt mồi của tôm. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng cũng tăng cường sự bốc hơi nước làm độ mặn nước tăng cao dẫn đến tôm nuôi chậm lớn, lột xác khó. Kết quả xét nghiệm các mẫu tôm thu ngày 28/6/2007 tại các vùng nuôi trong tỉnh cho thấy: không có mẫu nào nhiễm MBV và vius gây thân đỏ đốm trắng. Tuy nhiên, do tảo trong ao nuôi phát triển mạnh, một số ao tôm có biểu hiện nhớt thân nhẹ và chậm lớn. Khuyến cáo đối với người nuôi là sử dụng hóa chất diệt khuẩn ở liều nhẹ để kích tôm lột xác và diệt bớt tảo, sau đó sử dụng chế phẩm vi sinh để phân hủy chất thải ở đáy ao và làm sạch nước.
3. Khuyến cáo:
Để hạn chế tác hại của nắng nóng bà con nuôi tôm cần lưu ý cấp nước cao và định kỳ thay nước hoặc sử dụng các chế phẩm vi sinh để hạn chế các loại mầm bệnh cũng như hạn chế sự phát triển quá nhanh của tảo trong ao; đồng thời bổ sung đủ các loại khoáng, chất bổ và Vitamin C trong khẩu phần ăn của vật nuôi nhằm tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Định kỳ sử dụng vôi để ổn định màu nước và các chỉ tiêu khác như kiềm, pH nước, tránh biến động lớn các chỉ tiêu trên trong ngày và đêm gây sốc tôm; thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe tôm nuôi để có biện pháp sử lý kịp thời.
LÊ THỊ NỞ
Phó giám đốc Trung tâm Giống & Kỹ thuật Thủy sản