Thứ Tư, 27/11/2024 02:49 SA
Ứng xử với môi trường - Đạo đức của nhà kinh doanh
Thứ Hai, 16/07/2007 09:00 SA

Môi trường tự nhiên, môi trường sống đang  ngày càng bị tác động mạnh mẽ với tiến trình công nghiệp hóa, với việc ngày càng nhiều nhà máy được xây dựng. Nguyên liệu từ tự nhiên được huy động cho sản xuất công nghiệp ngày càng lớn và chất thải, khí thải từ sản xuất công nghiệp ra môi trường tự nhiên ngày càng nhiều. Bảo vệ môi trường, đòi hỏi ý thức trách nhiệm của toàn cộng đồng, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan chức năng nhà nước không thôi chưa đủ; mà còn đòi hỏi ý thức cao hơn của các nhà kinh doanh, các chủ doanh nghiệp, những người quyết định hoạt động của các nhà máy có gây ô nhiễm môi trường hay không, hoặc gây ô nhiễm đến mức nào?

 

0707416-duc.jpg

Nước thải từ một nhà máy gây ô nhiễm môi trường - Ảnh: P.V

Nhà kinh doanh khi đầu tư sản xuất đều biết mức độ tác động môi trường từ cơ sở sản xuất của mình, biết rõ phải phải đầu tư hệ thống xử lý như thế nào để không gây ô nhiễm môi trường. Và mâu thuẫn đã xãy ra ở đây, giữa những tính toán lợi nhuận và đầu tư bảo vệ môi trường. Không nhà đầu tư nào không mong muốn có lợi nhuận cao nhất, vì thế, nếu lợi nhuận không đến từ ưu thế tạo được bởi thiết bị công nghệ mới, hay từ khả năng cạnh tranh cao nhờ đầu tư đúng hướng, thì rất dễ nảy sinh ra tình trạng “ăn bớt” đầu tư cho bảo vệ môi trường. Nhất là trong các trường hợp, khi chi phí cho hệ thống xử lý chất thải, khí thải quá lớn, có khi gần bằng cả chi phí đầu tư cho dây chuyền thiết bị sản xuất của nhà máy, như trường hợp các nhà máy sản xuất cồn.

 

Ở đây, vì  chạy theo lợi nhuận, nhà kinh doanh không chỉ có vi phạm pháp luật (nếu gây ô nhiễm môi trường), mà còn đáng bị lên án bởi hành vi thiếu đạo đức trong ứng xử với cộng đồng. Lợi nhà kinh doanh hưởng, còn thiệt hại cộng đồng gánh chịu và khắc phục. Ở một số nước văn minh, hành vi gây ô nhiễm môi trường như thế, còn được xem như tội ác; và nhà kinh doanh như thế, được xem là “kẻ ăn cắp của cộng đồng”.

 

Từ cách ứng xử như thế ở môi trường tự nhiên, nhìn vào cách cư xử trong môi trường văn hóa- xã hội cũng vậy. Nhà kinh doanh làm giàu chân chính, tham gia nhiều hoạt động xã hội- từ thiện, gắn bó với cộng đồng, thì sẽ được mọi người nể trọng, yêu quí. Còn ngược lại, những nhà kinh doanh có những hành xử kiểu côn đồ, lừa mị nhân dân, nói xấu chính quyền, cung cấp thông tin không đúng sự thật… thì không sớm thì muộn, cũng bị cộng đồng từ chối.

 

“Gieo nhân nào, gặt quả đó”, nhà kinh doanh ứng xử với môi trường sống (cả với môi trường văn hóa- xã hội, nếu có) không tốt, thì không bao giờ có được kết quả tốt đẹp. Và dứt khoát, những nhà kinh doanh như vậy, sẽ bị cộng đồng oán giận, lên án và chối bỏ.

 

HUỲNH HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek