Theo quy hoạch giai đoạn 2011 đến 2020, Phú Yên trồng mới 36.950ha rừng. Từ năm 2011 đến 2014, các địa phương đã trồng được hơn 19.517ha rừng, đạt hơn 52,8% kế hoạch. Tuy nhiên, hiện nay, rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh giảm cả số lượng và chất lượng, nạn phá rừng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến độ che phủ rừng của tỉnh.
SẼ THU HỒI ĐẤT NẾU CHẬM TRỒNG RỪNG
Theo Sở NN-PTNT, đất quy hoạch cho lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 đến 2015 hơn 280.800ha và giai đoạn 2016 đến 2020 hơn 287.900ha; trong đó đất rừng đặc dụng khoảng 18.850ha, đất rừng phòng hộ hơn 101.100ha, đất rừng sản xuất hơn 167.930ha. Đến nay, tỉnh đã triển khai 11 dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Ngoài ra, tỉnh còn triển khai 3 dự án từ nguồn vốn ODA về phát triển, khôi phục và quản lý rừng; 6 dự án quy hoạch chi tiết trồng rừng sản xuất bằng nguồn vốn huy động của các doanh nghiệp.
Ông Hoàng Trung Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Bình Nam, cho biết: “Từ năm 2008 đến nay, công ty được tỉnh quy hoạch khoảng 3.000ha đất để trồng rừng. Đến nay, đơn vị đã trồng được hơn 2.715ha rừng tại các xã Xuân Lãnh, Xuân Quang 1 và Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân). Ngoài ra, công ty còn liên kết với các hộ dân địa phương trồng mới khoảng 830ha rừng. Ông Lê Ngọc Thự, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Trồng rừng Trường Thành OJI, thì cho biết: Công ty được tỉnh quy hoạch khoảng 17.890ha đất để trồng rừng. Từ năm 2008 đến nay, công ty đã trồng khoảng 4.800ha rừng tại các huyện Phú Hòa, Đồng Xuân, Sơn Hòa và TX Sông Cầu. Trong năm 2014, nắng hạn kéo dài làm khoảng 600ha rừng trồng bị chết (chủ yếu trên địa bàn huyện Đồng Xuân). Đến nay, công ty đã trồng thay thế. Khó khăn hiện nay là một số hộ dân ở các địa phương lấn chiếm đất lâm nghiệp đã được giao cho công ty, do đó quỹ đất để thực hiện dự án trồng rừng bị thu hẹp so với quy hoạch ban đầu.
Theo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh giai đoạn 2011 đến 2020, Phú Yên sẽ trồng mới 36.950ha rừng; trong đó, rừng đặc dụng là 1.250ha, rừng phòng hộ đầu nguồn là 5.560ha, rừng ngập mặn phòng hộ ven biển là 250ha và rừng sản xuất là 29.890ha. Theo Sở NN-PTNT, từ năm 2011 đến 2014, các địa phương trong tỉnh đã trồng được hơn 19.517ha rừng, trong đó trồng mới khoảng 19.134ha và trồng lại rừng sau khai thác khoảng 383ha. Dự án trồng rừng thay thế nương rẫy thực hiện từ tháng 6/2010, đến nay đã trồng được gần 183ha rừng và trợ cấp gạo cho gần 220 hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách khuyến khích phát triển rừng, đến năm 2014 đã hỗ trợ cho người dân ba huyện Tây Hòa, Phú Hòa và Đồng Xuân trồng được 1.570ha. Ngoài ra, tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên doanh, liên kết trồng rừng sản xuất với diện tích khoảng 6.250ha. Tuy nhiên, đến nay một số doanh nghiệp thực hiện trồng rừng rất thấp so với diện tích đã được phê duyệt. Cụ thể như Công ty TNHH Trồng rừng Trường Thành OJI được trồng 17.893ha rừng kinh tế trong giai đoạn 2008 đến 2015, nhưng đến nay đơn vị này chỉ mới trồng được khoảng 4.800ha; DNTN Bảo Châu được quy hoạch hơn 1.850ha, đến nay trồng được 1.085ha; Công ty TNHH Trang Lâm được quy hoạch 3.680ha nhưng chỉ trồng hơn 480ha… Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Sở sẽ đề xuất UBND tỉnh thu hồi số diện tích đã quy hoạch đối với các doanh nghiệp chậm triển khai trồng rừng. Việc này là để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với thực tế, nhằm sử dụng đất rừng đúng mục đích và phát huy hiệu quả quản lý bảo vệ, phát triển rừng theo chủ trương của Chính phủ và của tỉnh.
CẦN TĂNG SUẤT ĐẦU TƯ TRỒNG RỪNG
Theo Sở NN-PTNT, những năm qua, độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh đã tăng từ 34,3% năm 2010 lên 35,2% năm 2014. Trước năm 2010, Phú Yên có 178.534ha rừng chiếm hơn 34% diện tích tự nhiên của tỉnh, đến năm 2014 diện tích rừng là 183.532ha chiếm 35,9% diện tích tự nhiên. Như vậy, trong vòng 5 năm, diện tích rừng của tỉnh tăng 8.430ha. Bà Nguyễn Thị Nở, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, cho rằng qua giám sát thì rừng trồng tăng nhưng rừng tự nhiên giảm cả về số lượng và chất lượng. Mặt khác, nạn phá rừng làm rẫy, khai thác rừng trái phép, tình trạng cháy rừng cùng với diễn biến bất thường của thời tiết như nắng hạn kéo dài đã làm giảm đáng kể diện tích các loại rừng và rừng trồng trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng không nhỏ đến độ che phủ rừng.
Theo ông Nguyễn Lý Nguyên, một số khó khăn, vướng mắc trong công tác trồng rừng hiện nay là suất đầu tư trồng rừng phòng hộ đặc dụng rất thấp, chỉ 15 triệu đồng/ha/4 năm. Suất đầu tư như vậy không đủ để trồng, chăm sóc rừng, nên rất khó vận động người dân nhận khoán trồng rừng phòng hộ đặc dụng. Dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất triển khai còn chậm, nguyên nhân cũng là do suất hỗ trợ quá thấp, chỉ 2,2 triệu đồng/ha, nên người dân không mặn mà tham gia dự án. Đời sống người dân làm nghề rừng đa số là nghèo, vốn đầu tư còn hạn chế, khi thiếu vốn người dân thường bán gỗ non cho các nhà máy dăm giấy dẫn đến chất lượng gỗ kém, giá bán thấp. Việc trồng rừng thay thế đạt tỉ lệ thấp (5,2% so với kế hoạch), nguyên nhân chủ yếu là các chủ dự án bị động về đất đai, thủ tục lập phương án phê duyệt còn phức tạp, rườm rà…
HĐND tỉnh vừa đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tăng suất đầu tư trồng rừng từ 15 triệu đồng/ha/4 năm lên 30 triệu đồng để bù đắp đủ chi phí trồng rừng và đảm bảo chất lượng rừng trồng sau đầu tư; giao khoán quản lý bảo vệ rừng từ 200.000 đồng/ha/năm lên 300.000 đồng/ha/năm. Đồng thời cho phép kéo dài thời gian đầu tư dự án trồng rừng sản xuất đến năm 2020 cho phù hợp chu kỳ với kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 đến 2020. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương tăng cường tuyên truyền, thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, kiên quyết đấu tranh, chấm dứt tình trạng khai thác rừng, phá rừng trái pháp luật; bố trí kinh phí đầu tư mua sắm, sửa chữa trang thiết bị đảm bảo cho hoạt động bảo vệ rừng. UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành và địa phương rà soát, điều chỉnh, thu hồi đất lâm nghiệp của các dự án không hiệu quả hoặc sử dụng không đúng mục đích, diện tích lấn chiếm trái phép để đầu tư trồng lại rừng.
ANH NGỌC