Thứ Tư, 30/10/2024 18:23 CH
Hiểm nguy rình rập trên cầu dân sinh
Thứ Hai, 16/11/2015 09:05 SA

Cầu Bãi Tràn, xã Xuân Lâm, TX Sông Cầu, đang bị xuống cấp nặng - Ảnh: H.NHƯ

Hiện trên địa bàn tỉnh có hàng chục cầu dân sinh bị xuống cấp, gây khó khăn cho các phương tiện khi tham gia giao thông; đồng thời ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân mỗi khi trời mưa bão. 

 

CẦU CŨ XUỐNG CẤP 

 

Theo UBND huyện Tây Hòa, địa phương này hiện có trên 10 cầu dân sinh bị xuống cấp, nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao. Điển hình như cầu Bến Sách thuộc xã Hòa Tân Tây. Cầu này bắc qua sông Bến Lái, nằm trên đường độc đạo nối hai cánh đồng của xã. Cầu chỉ dài khoảng 750m, rộng 5m được làm bằng bê tông xi măng nhưng qua nhiều năm sử dụng, các nhịp cầu đã bị giãn ra và sụt lún. Theo nhiều người dân địa phương, cầu Bến Sách được xây dựng đã lâu; giờ mỗi lần có xe chạy qua, cầu bị rung như sắp gãy. Các hộ dân ở thôn Tân Định, nằm ở bên kia sông, là những người khổ nhất với cầu này. Ông Nguyễn Hiếu ở thôn Tân Định, cho biết: Cầu xuống cấp nên giờ xe tải cũng chẳng dám chạy qua nữa. Chúng tôi làm ruộng, làm rẫy phía bên kia sông gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển nông sản. Không những thế, mỗi khi trời mưa, nước sông Bến Lái thường dâng cao và chảy rất xiết. Cầu Bến Sách vì thế thường xuyên bị ngập khiến thôn Tân Định bị chia cắt hoàn toàn. Thời gian ngập kéo dài từ 3 đến 4 ngày, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bà con trong vùng. Những khi trời mưa to, người dân ở đây đều phải dự trữ lương thực nhiều ngày để sử dụng.

 

Không chỉ huyện Tây Hòa mà các huyện Đồng Xuân, Tuy An, TX Sông Cầu… cũng đang tồn tại nhiều cầu dân sinh bị xuống cấp. Cầu Bãi Tràn trên tuyến ĐT644 đoạn qua thôn Bình Nông, xã Xuân Lâm, TX Sông Cầu, dù xuống cấp đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa được sửa chữa. Cầu này nằm trên tuyến đường huyết mạch nối liền cơ sở y tế, trường học, trung tâm hành chính của xã Xuân Lâm với các thôn Bình Nông, Bình Tây, Long Phước, Cao Phong. Chính vì thế, nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến đường rất lớn. Theo ông Bùi Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Lâm, cầu Bãi Tràn được làm bằng sắt, dài khoảng 12m, rộng 4m. Hiện mố cầu hai bên bị sạt lở nghiêm trọng, mặt cầu cũng rỉ sét với nhiều lỗ hổng. Bãi Tràn là vùng trũng nên chỉ cần trời mưa một đêm, khu vực này đã mênh mông nước, cầu Bãi Tràn vì thế cũng bị ngập. Mỗi khi trời mưa lũ, khu vực này như một ốc đảo, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, làm ăn của bà con và việc học tập của học sinh khu vực này. Vào mùa mưa, học sinh ở đây đi học đều phải có người lớn dẫn qua cầu. Nếu hôm nào nước lớn, các em phải nghỉ học vì dòng nước chảy xiết, không thể lội qua được. Từ đầu mùa mưa năm 2015 đến nay, cầu đã bị ngập 5 lần. Địa phương phải bố trí các biển cảnh báo, barie, đồng thời cử lực lượng canh nhắc nhở, không cho người dân cố tình lội qua để đảm bảo an toàn.

 

CẦN NHIỀU CẦU MỚI

 

Cầu xuống cấp, đi lại khó khăn nên mong muốn được có những cây cầu mới, thay thế cầu cũ là ước mơ của đông đảo người dân tại các địa phương có những cây cầu dân sinh đang xuống cấp. Bà Nguyễn Thị Lệ ở xã Xuân Lâm, cho biết: Mỗi khi trời mưa to, việc đi qua cầu Bãi Tràn luôn là nỗi ám ảnh của bà con ở đây. Chúng tôi mong sao Nhà nước sớm cho xây mới cầu Bãi Tràn và cầu Đá Giăng ở xã để bà con đi lại được thuận tiện hơn. Còn ông Bùi Ngọc Tuấn thì cho biết: Địa phương đã nhiều lần kiến nghị Sở GTVT cho xây mới cầu Bãi Tràn qua thôn Bình Nông. Còn tại vị trí tràn Đá Giăng (thôn Bình Tây), bà con tự làm tràn đá để bắc qua suối, phục vụ việc đi lại, sản xuất. Nhưng vào mùa mưa, nước suối thường xuyên dâng cao, người dân không thể lội qua được.

 

Tại thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, cũng xảy ra tình trạng tương tự. Vì không có điều kiện xây cầu nên bà con tự làm tràn bằng đá để lội qua suối Kỳ Đu. Địa phương đã nhiều lần đề nghị xây cầu bắc qua suối Kỳ Đu để hạn chế nguy hiểm cho bà con mỗi khi mưa lũ. Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2, cho biết: Hiện nay, diện tích canh tác bên kia suối của bà con gần 500ha nên không chỉ 250 nhân khẩu của thôn Kỳ Đu mà rất nhiều người dân ở các thôn trong xã cũng tham gia trồng mía, sắn. Nếu cầu được xây dựng, việc đi lại của bà con sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. 

 

Theo ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT, vừa qua, Bộ GTVT, UBND tỉnh đã giao Sở GTVT phối hợp với các địa phương rà soát, lựa chọn các cầu dân sinh để đưa vào dự án Quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) đề nghị vay vốn của Ngân hàng Thế giới. Tổng mức đầu tư của các cầu này khoảng 276 tỉ đồng. Trong đó, huyện Tuy An 11 cầu, Tây Hòa 10 cầu, Sông Hinh 6 cầu, Sơn Hòa 6 cầu, Đồng Xuân 3 cầu, Phú Hòa 3 cầu và TX Sông Cầu 2 cầu.

 

HỒ NHƯ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek