Cho rằng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Trung Bộ xuất bán lúa đổi hạt năm 2015 không minh bạch, các chủ doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa bức xúc gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng nhờ can thiệp, trong đó có Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính). Sau đó, đơn vị này có công văn trả lời đơn khiếu nại của các chủ doanh nghiệp, tuy nhiên họ cho rằng nội dung trả lời là không thỏa đáng nên tiếp tục gửi đơn khiếu nại.
Ngày 28/10, bà Nguyễn Thị Mai Tố Ngọc, chủ DNTN Ngọc Hoàng ở TP Tuy Hòa - một trong những chủ doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng về việc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Trung Bộ xuất bán lúa năm 2015 tại Chi cục Dự trữ Nhà nước Phú Yên không minh bạch, ưu ái doanh nghiệp này, sách nhiễu doanh nghiệp kia, cho biết: “Chúng tôi đã hoàn tất đơn khiếu nại lần 2 gửi Tổng cục Dự trữ Nhà nước, vì đơn vị này trả lời đơn khiếu nại lần 1 không thỏa đáng. Ngoài nội dung đơn, lần này, chúng tôi còn gửi kèm các đĩa ghi âm, ghi lại cuộc đối thoại giữa chúng tôi với lãnh đạo Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Trung Bộ, Chi cục Dự trữ Nhà nước Phú Yên và các chủ doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo khác có mua lúa dự trữ trong đợt này”.
Trước đó, ngày 21/10, ông Lê Văn Thời, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước ký công văn trả lời đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Mai Tố Ngọc. Kèm theo công văn là báo cáo danh sách khách hàng đăng ký mua lúa tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Trung Bộ.
Theo bà Ngọc, sau khi đọc công văn trả lời của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, có một số nội dung mà bà thấy chưa hài lòng. Đó là giấy xác nhận của bà và các ông bà: Nguyễn Thị Mạnh, Nguyễn Thị Ánh, Huỳnh Kim Tường và Đặng Thị Cúc đăng ký mỗi người mua 670 tấn lúa tại Chi cục Dự trữ Nhà nước Phú Yên, nhưng tại sao trong báo cáo danh sách khách hàng đăng ký mua lúa của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Trung Bộ thì bà và những người này không có số lượng đăng ký, là không đúng với sự thật. Nếu không có số lượng đăng ký thì lấy đâu bà và những người kia nhường cho Đặng Ngọc Hoàng mua lúa.
Ngoài ra, trong báo cáo danh sách khách hàng đăng ký mua lúa, có rất nhiều người đăng ký trước các bà Ngọc, Mạnh, Ánh, Cúc và ông Tường, nhưng tại sao họ lại được giải quyết mua lúa trước, nhưng với số lượng rất bạn chế (năm người chỉ được mua 335 tấn lúa). Đây có phải là việc làm nhằm xoa dịu tình thế của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Trung Bộ trước bức xúc không mua được lúa của họ. Trong khi bà Nguyễn Thị Diệu Hà đăng ký 1.000 tấn lúa cùng ngày với họ lại được mua đến 335 tấn. Và có nhiều người đăng ký mua lúa sau bà Ngọc với số lượng ít, nhưng họ lại mua được nhiều, trong khi bà đăng ký số lượng nhiều mà lại mua được ít. Đơn cử như ông Nguyễn Đức Vũ đăng ký 200 tấn và được mua đến 100 tấn lúa.
Bà Ngọc còn cho biết, công văn trả lời đơn khiếu nại của Tổng cục Dự trữ Nhà nước rất mâu thuẫn, với nội dung: “Do số lượng lúa dự trữ quốc gia xuất bán đổi hạt trên địa bàn tỉnh Phú Yên có hạn, trong khi đó nhu cầu đăng ký mua lại cao hơn so với số lượng lúa xuất bán, nhưng thực tế đến này 16/10, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Trung Bộ chỉ ký một hợp đồng bán 330 tấn lúa cho ông Đặng Ngọc Hoàng. Số lúa còn lại 2.000 tấn, đến ngày 19 và 20/10 đơn vị mới tiếp tục triển khai bán cho các khách hàng đã đăng ký”. Theo bà Ngọc, tại sao liên tục các ngày 14, 15 và 16/10, bà và các bà Cúc, Ánh, Mạnh, ông Tường đến Chi cục Dự trữ Nhà nước Phú Yên và Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Trung Bộ xin ký hợp đồng mua mỗi người 670 tấn lúa, nhưng không mua được, mà lại để dành 2.000 tấn lúa đến ngày 19 và 20/10 bán cho các doanh nghiệp khác. “Tại sao chúng tôi đến đúng ngày thông báo bán lúa và xin ký hợp đồng nhưng họ không cho, mà lại giữ lúa để bán cho người đến sau. Và chúng tôi quyết định tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng để làm sáng tỏ vụ việc này”, bà Ngọc bức xúc.
MINH ĐĂNG