Thứ Sáu, 01/11/2024 04:28 SA
Thị trường đồ gỗ xuất khẩu: Nhiều tín hiệu vui
Thứ Hai, 26/10/2015 07:16 SA

Năm 2015, thị trường gỗ xuất khẩu phục hồi, các doanh nghiệp có đơn hàng dồi dào - Ảnh: N.XUÂN

Hai năm qua, thị trường đồ gỗ xuất khẩu đã hồi phục và có những tín hiệu khả quan trong những năm tiếp theo. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này ở Phú Yên đã nhận được nhiều đơn hàng có giá trị cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu lại gặp nhiều khó khăn do thiếu lao động.

 

ĐƠN HÀNG DỒI DÀO

 

Theo các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu, những nước tiêu thụ đồ gỗ xuất khẩu truyền thống của Việt Nam là Mỹ, Pháp, Úc, Đức, Trung Quốc... Những năm qua, mặc dù có thời điểm khó khăn nhưng thị trường này vẫn khá ổn định. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã khai thác được thêm những thị trường mới có tiềm năng như New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản... Từ năm 2014 đến nay, số lượng đơn hàng đồ gỗ xuất khẩu rất dồi dào, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có điều kiện ổn định và phát triển sản xuất. Trong 9 tháng năm 2015, Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Á Châu (KCN Đông Bắc Sông Cầu) nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu có giá trị và đã xuất khẩu đạt trên 5 triệu USD, doanh thu hơn 105,3 tỉ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ 2014.

 

Một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Tân Bình Phú cũng đã xuất 63 container hàng, giá trị đạt trên 1,3 triệu USD, doanh thu gần 33 tỉ đồng. Ông Ngô Hữu Hưng, Phó giám đốc Công ty TNHH Tân Bình Phú, cho biết: Những năm trước, lĩnh vực chế biến đồ gỗ xuất khẩu không có nhiều đơn hàng nên chỉ hoạt động theo thời vụ, thường là từ tháng 7 đến tết. Tuy nhiên, hai năm nay, đơn hàng dồi dào, doanh nghiệp có việc làm quanh năm. Nhờ vậy, thu nhập người lao động cũng được cải thiện. Hiện công ty có trên 160 lao động, thu nhập bình quân đạt từ 3 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. Công ty luôn đảm bảo lương, thưởng, các chế độ ăn uống, xe đưa rước... để người lao động yên tâm sản xuất. Mới đây, công ty nhận thêm một đơn hàng lớn, đảm bảo việc làm đến hết tháng 4/2016.

 

Nhờ có đơn hàng ổn định, người lao động ngành gỗ xuất khẩu có việc làm quanh năm - Ảnh: N.XUÂN

 

KHÓ KHĂN VỀ NGUỒN LAO ĐỘNG

 

Trong khi thị trường tiêu thụ rộng mở, đơn hàng khả quan thì hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu lại gặp khó khăn do thiếu lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề. Phú Yên có hơn 10 doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu với gần 2.000 lao động, phần lớn tập trung tại KCN Đông Bắc Sông Cầu. Tuy nhiên, khu vực này khan hiếm lao động và thường xuyên biến động, gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp. Ông Đặng Trần Quyết, Giám đốc Công ty cổ phần Thành Phúc, cho biết: Đặc thù của lao động vùng biển là không gắn bó với doanh nghiệp. Vào mùa biển, vụ lúa hay khi có đám cưới, cúng giỗ là nhiều người rủ nhau nghỉ việc, bỏ việc theo nhóm. Thêm vào đó, tình trạng người lao động “nhảy” việc từ doanh nghiệp này đến doanh nghiệp khác khá phổ biến. Để có đủ lao động làm việc, các doanh nghiệp có nhiều chính sách ưu đãi cho người lao động như có xe đưa đón, ăn uống, nghỉ ngơi, lương, thưởng... để giữ chân công nhân nhưng vẫn không cải thiện được tình hình.

 

Tình trạng khan hiếm lao động đã khiến các doanh nghiệp không ít phen lao đao. Ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Toàn, KCN Đông Bắc Sông Cầu, than thở: Hầu như năm nào công ty cũng “dính” từ một đến hai hợp đồng không kịp tiến độ, phải chấp nhận chịu phạt hợp đồng. Nguyên nhân chủ yếu là công nhân hay ngẫu hứng bỏ việc, khiến công việc bị trì trệ, không kịp đơn hàng. Do vậy, năm nay, mặc dù có rất nhiều đối tác liên hệ nhưng công ty không dám nhận nhiều đơn hàng. Đơn vị cũng muốn tuyển thêm lao động nhưng tìm người rất khó khăn.

 

Còn theo ông Ngô Hữu Hưng, để đón đầu thị trường đang hồi phục, doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng nhà xưởng, nâng công suất, đáp ứng nhu cầu các đối tác. Tuy nhiên, vấn đề các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến đồ gỗ xuất khẩu lo ngại nhất vẫn là thiếu lao động. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên, KCN Đông Bắc Sông Cầu đã có dự án xây dựng khu nhà ở cho công nhân từ nhiều năm nay nhưng do tỉnh chưa bố trí được nguồn vốn nên dự án này vẫn chưa được thực hiện. “Các đơn vị mong muốn ngành chức năng tạo điều kiện hỗ trợ thu hút lao động, có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai dự án nhà ở cho công nhân để giữ chân lao động và gắn bó với doanh nghiệp. Nếu giải quyết được vấn đề này, các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất”, ông Ngô Hữu Hưng nói.

 

Theo ông Đặng Trần Quyết, Giám đốc Công ty cổ phần Thành Phúc (KCN Đông Bắc Sông Cầu), hiện thị trường đồ gỗ xuất khẩu đang hồi phục mạnh nên doanh nghiệp không thiếu đơn hàng. Ngoài các bạn hàng truyền thống như Đức, Úc, đơn vị này còn tìm được các đối tác mới đến từ New Zealand, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đến nay, công ty đã ký được nhiều hợp đồng lớn, đảm bảo có hàng để làm đến hết năm 2015. Trong tháng 9/2015, doanh thu của công ty đạt khoảng 1,8 triệu USD.

 

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek