Theo các công ty sản xuất các sản phẩm từ nhựa, hiện giá hạt nhựa nguyên liệu đã tăng lên ở mức 18 triệu đồng/tấn.
Giá một số sản phẩm nhựa chỉ tăng nhẹ - Ảnh: Đ. NGUYÊN |
Dù nguồn cung không thiếu hụt, nhưng giá nguyên liệu nhựa vẫn đứng ở mức cao. Dù giá hạt nhựa nguyên liệu đã tăng và đứng ở mức cao trong một thời gian dài, nhưng các nhà sản xuất hầu như chưa tăng giá sản phẩm bán ra. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các phương án tiết giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, tăng doanh số bán ra... để bù đắp phần chênh lệch do giá nguyên liệu tăng. Hiện nay, trên thị trường sản phẩm nhựa, chỉ có một vài mặt hàng như bình đá, găng tay… được điều chỉnh giá tăng từ 5-7%.
Đại diện Doanh nghiệp tư nhân nhựa Tiến Phát (TP Tuy Hòa) cho biết: Dù giá nguyên liệu tăng nhưng việc tăng giá sản phẩm là rất khó. Ông Phạm Huỳnh Anh, chủ doanh nghiệp này lý giải: “Đối tượng khách hàng của chúng tôi chủ yếu là người nội trợ. Nếu tăng giá sản phẩm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý mua hàng nên khó có thể điều chỉnh tăng giá”. Để khắc phục tình trạng chi phí đầu vào tăng nhưng giá bán ra không tăng, Doanh nghiệp tư nhân nhựa Tiến Phát đã chọn cách thay đổi một số phụ kiện chất lượng tương ứng nhưng giá thấp hơn; sắp xếp lại quy trình sản xuất và vận chuyển theo hướng giảm chi phí. “Doanh nghiệp chúng tôi thường chỉ tăng giá sản phẩm khi không còn cách nào khác. Mỗi lần tăng giá sản phẩm nhựa phải mất một khoảng thời gian để ổn định thị trường. Mức giá điều chỉnh chỉ ở mức từ 5-20%/lần tăng. Do đó, để đảm bảo doanh thu và lợi nhuận, ngoài việc tiết kiệm chi phí, chúng tôi chú trọng phát triển thêm các mặt hàng mới để dễ dàng định giá sản phẩm theo đúng thời giá thị trường” – ông Anh cho biết thêm.
Theo các doanh nghiệp, giá dầu trên thị trường thế giới có tác động mạnh đến nhiều ngành sản xuất, trong đó có ngành nhựa. Giá nhựa nguyên liệu sẽ còn biến động khi mà giá dầu thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, ở thị trường Phú Yên, giá sản phẩm nhựa chưa có dấu hiệu tăng cao và đột biến.
ĐĂNG NGUYÊN