Báo Phú Yên ra ngày 25/6 và 2/7 phản ánh đề xuất của ông Y Thông, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh về đền bù bằng cổ phiếu ưu đãi cho người dân khi giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình thủy điện. Đề xuất này đã gây được sự chú ý của các nhà khoa học, đại diện một số cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân. Trao đổi với cộng tác viên Báo Phú Yên tại Hà Nội xung quanh đề xuất này, giáo sư, tiến sĩ khoa học ĐẶNG HÙNG VÕ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- môi trường, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực quản lý đất đai, khẳng định:
Giáo sư, tiến sĩ khoa khọc Đặng Hùng Võ
- Đề xuất của ông Chủ tịch huyện Sông Hinh rất hay và hoàn toàn có thể triển khai trong thực tế. Phương thức đền bù này đem lại cái lợi cho cả hai phía: người dân và nhà đầu tư. Với người dân, thông qua việc mua cổ phiếu của nhà máy, cuộc sống của họ sẽ ổn định hơn nhờ được hưởng cổ tức lâu dài khi nhà máy đi vào hoạt động. Còn chủ đầu tư sẽ giảm được tiền đầu tư ban đầu vào dự án vì một phần tiền bồi thường chuyển thành cổ phiếu và được coi như vốn góp bằng đất vào doanh nghiệp. Mặt khác, cơ chế này giúp thuận lợi hơn trong công tác giải phóng mặt bằng. Ở nhiều nước, nhất là các nước công nghiệp mới đơn cử như Hàn Quốc, người ta thực hiện phương thức này từ lâu và rất tốt. Tuy nhiên, để thực hiện phương thức này ở Việt Nam đòi hỏi phải có cơ chế công khai hóa mọi hoạt động của dự án đầu tư, công khai hóa lợi tức, minh bạch hóa cơ chế chia lợi tức và phải được pháp luật bảo vệ.
* Ở nước ta đề xuất này vẫn còn khá mới mẻ?
- Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên ý tưởng này được đưa ra. Khoảng hơn một năm trước đây, TP Hồ Chí Minh cũng đã thí điểm triển khai thực hiện việc góp đất vào các dự án đầu tư phi nông nghiệp. Ngay khi chuẩn bị Nghị quyết kỳ họp thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa IX, vấn đề này cũng đã được đưa ra thảo luận rất kỹ và có khá nhiều ý kiến tán đồng. Pháp luật hiện hành cũng khuyến khích cơ chế góp vốn vào dự án đầu tư. Chúng ta thấy mới vì phương thức này thực hiện chưa nhiều và chưa thấy những mô hình điểm thí điểm để nhân rộng.
*Nhiều cái lợi là vậy, sao vẫn chưa được triển khai trên thực tế?
Sông Ba Hạ, một trong ba công trình thủy điện lớn xây dựng trên địa bàn Sông Hinh - Ảnh: N.T
- Đáng lẽ, phương thức đền bù này phải được thí điểm từ lâu và sớm nhân rộng. Tuy nhiên trên thực tế vẫn bị tắc bởi rất nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là người bị thu hồi đất, nhất là nông dân ở nông thôn, vẫn còn tâm lý muốn cầm ngay tiền của mình cho “chắc” hơn; thứ hai là hoạt động của thị trường cổ phiếu còn quá mới mẻ, mức độ rủi ro cao… Nói cho cùng, nông dân vẫn chưa tin tưởng vào việc họ sẽ được hưởng cổ tức từ các doanh nghiệp sau khi nhà máy đi vào sản xuất. Điều đó khiến phương thức đền bù này chưa được nhiều người mặn mà đón nhận.
* Nông dân chưa tin cũng có cái lý của họ.
- Trên thực tế, những nơi dành đất xây dựng các nhà máy điện thường là những vùng rất khó khăn. Tâm lý đa số nông dân nằm trong diện bị thu hồi đất vẫn muốn cầm ngay tiền mặt để trang trải cuộc sống trước mắt và định liệu cho tương lai gần theo cách truyền thống. Ít người tính đến việc dùng một phần vốn bồi thường, hỗ trợ để mua cổ phiếu nhằm lấy lợi tức chưa chắc lắm sau này.
* Vậy làm sao để người dân hiểu và ủng hộ phương thức đền bù này, thưa giáo sư?
- Để người dân hiểu được cách làm mới, biết tư duy về cách làm mới, cần phải tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức để họ thấy được cái lợi lâu dài. Mặt khác, cơ chế này cũng đòi hỏi nhà đầu tư phải trung thực trong hoạt động, bảo đảm quyền lợi của các cổ đông đã góp vốn, nhất là những người đã giao vốn bằng đất cho mình.
* Hiện nay với mức đền bù còn thấp, nông dân khó có đủ tiền để mua cổ phiếu của các nhà máy?
- Trong cơ chế này, Nhà nước phải có chính sách riêng trong giai đoạn đầu thực hiện. Cụ thể, có thể cho phép tính giá đất nông nghiệp để bồi thường với giá cao hơn đối với những trường hợp người bị thu hồi đất đồng ý nhận bồi thường bằng cổ phiếu. Đồng thời Nhà nước có chính sách bán cổ phiếu ưu đãi cho những đối tượng này. Mặt khác, thực hiện chế độ kiểm toán chặt chẽ với những dự án áp dụng phương thức đền bù này nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hệ thống tài chính, kế toán để tránh tình trạng “lỗ giả tạo”. Thực tế trên thị trường chứng khoán hiện nay, người được mua cổ phiếu ưu đãi luôn được lãi rất lớn ngay từ khi doanh nghiệp thực hiện đấu giá cổ phiếu trên sàn; đồng thời vẫn được hưởng cổ tức từ hoạt động kinh tế của doanh nghiệp. Trong tình trạng bình thường, cuộc sống của người bị thu hồi đất sẽ ổn định hơn và sung túc hơn trong tương lai.
* Theo giáo sư, ở thời điểm này, đề xuất trên liệu có đi vào thực tế?
- Hoàn toàn có thể được cuộc sống tiếp nhận ngay nếu chúng ta quyết tâm thực hiện. Đa số cổ đông được mua cổ phiếu ưu đãi đều có lợi rất lớn so với giá cổ phiếu trên sàn. Thị trường chứng khoán ngày càng sôi động như hiện nay, nhiều người dân đã bắt đầu quan tâm đến việc làm giàu từ chứng khoán. Đây là thời điểm tốt và đủ điều kiện cho việc tuyên truyền, vận động thực hiện phương thức đền bù này. Vấn đề còn lại thuộc về tính nghiêm túc của các nhà đầu tư và cơ chế giám sát hoạt động kinh tế đối với doanh nghiệp. Chúng ta cần một văn hóa kinh doanh tốt và cái tâm của doanh nghiệp đối với những người nông dân đã dành đất của mình, cơ nghiệp của mình cho dự án. Tuy nhiên phải nói rằng đây là vấn đề khá phức tạp và nhạy cảm, cần phải tiến hành thận trọng để hướng tới những thử nghiệm thật thành công.
*Xin cảm ơn giáo sư!
LẠI BÁ HÀ (thực hiện)