Thứ Hai, 30/09/2024 04:29 SA
Về đề xuất đền bù bằng cổ phiếu, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Y Thông:
Sẽ tăng thêm hiệu quả và tính bền vững của đầu tư
Thứ Hai, 02/07/2007 14:04 CH

070702-Y-Thong.jpgBáo Phú Yên ngày 25/6/2007 có bài “Đền bù giải phóng mặt bằng công trình thủy điện bằng cổ phiếu- tại sao không?” phản ánh đề xuất của ông Y Thông, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, huyện duy nhất trong cả nước có ba công trình thủy điện được xây dựng trên địa bàn: Đó là Nhà nước cần đền bù bằng cổ phiếu cho nhân dân khi giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình thủy điện.

 

Sau khi báo phát hành, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều ý kiến bày tỏ sự nhiệt tình ủng hộ với đề xuất khá mới mẻ này. Nhằm tiếp tục thông tin cụ thể hơn về đề xuất trên, chúng tôi đã trở lại huyện Sông Hinh gặp ông Y Thông.

 

* Xuất phát từ đâu ông đưa ra đề xuất trên?

 

- Ông Y THÔNG: Đó là xuất phát từ thực tiễn trong đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình thủy điện và đời sống của người dân sau giải tỏa. Hiện nay, trên địa bàn huyện Sông Hinh có ba công trình thủy điện lớn, dự kiến sắp tới có thêm thủy điện Ea Krông Năng 2. Thời gian qua, công tác đền bù giải tỏa còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các công trình thủy điện sử dụng diện tích đất rất lớn, khiến người dân thiếu đất sản xuất. Thế nhưng, khi nhận một khoản tiền đền bù lớn, phần lớn người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng không hiệu quả, họ chủ yếu sử dụng tiền vào tiêu dùng, sinh hoạt trước mắt mà không đầu tư cho sản xuất. Chính vì thế, nhiều hộ dân bị giải tỏa lâm vào cuộc sống rất khó khăn.

 

070702-TD.jpg

Công trình thủy điện Sông Hinh

 

Thực tế, sau khi xây dựng hoàn thành, hầu hết các nhà máy thủy điện đều tiến hành cổ phần hóa, hiện nay nhiều công trình thủy điện đã lên sàn giao dịch. Trong xu thế hiện nay, khả năng sinh lãi từ cổ phiếu các nhà máy thủy điện rất lớn, những người nắm giữ các cổ phiếu này sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Nếu người dân được đền bù bằng cổ phiếu, họ sẽ có một nguồn thu nhập lớn hơn về lâu dài. Do đó, mục đích đề xuất của tôi là nhằm đảm bảo cuộc sống lâu dài cho những người phải di dời, giải tỏa; góp phần đảm bảo sự công bằng.

 

* Đề xuất của ông liệu có khả thi?

 

- Tôi nghĩ đề xuất này chắc chắn sẽ thực hiện được nếu các ngành, các cấp có sự quan tâm. Tất nhiên, phải có chủ trương của Trung ương. Theo tôi, thực tiễn hiện nay đã cho phép thực hiện phương thức đền bù này. Lâu nay, Nhà nước có hai phương thức đền bù giải phóng mặt bằng là đền bù bằng đất và bằng tiền. Hiện nay, hầu hết các công trình đều khó thực hiện việc đền bù bằng đất do quỹ đất không còn nhiều. Còn đền bù bằng tiền người dân không bảo toàn được nguồn vốn, sử dụng chưa hiệu quả. Do đó, Nhà nước nên xem xét để có chính sách phù hợp với thực tiễn. Theo tôi, đền bù bằng cổ phiếu là phương thức tối ưu. Tôi đã dành thời gian nghiên cứu vấn đề này và rất mong muốn Trung ương, các ngành, các cấp quan tâm xem xét. Nếu được thực hiện, tôi nghĩ đa số người dân sẽ ủng hộ phương thức này.

 

“Theo tôi, đề xuất đền bù bằng cổ phiếu có tính khả thi rất cao và có ý nghĩa về nhiều mặt, rất mong Nhà nước sớm xem xét, cho thực hiện. Từ giai đoạn đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng đến giai đoạn định giá cổ phiếu là một quá trình.

 

Do đó, vấn đề làm thế nào để giúp người dân bảo toàn được nguồn vốn để quy đổi qua cổ phiếu sau này, có lẽ trước mắt sẽ giúp họ gởi tiền vào ngân hàng hoặc quỹ tiết kiệm. Mặt khác, trước khi giải tỏa, nhà đầu tư phải cam kết phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người dân sau khi công trình hoàn thành”.

 

Ông ĐINH NGỌC DẠN- Trưởng ban Quản lý các công trình đầu tư và xây dựng huyện Sông Hinh.

* Theo ông, biện pháp thực hiện phương thức này sẽ như thế nào?

 

- Khi đền bù giải tỏa, bên cạnh việc cấp đất đai cùng một khoản tiền đền bù để người dân tái định cư, ổn định cuộc sống và sản xuất, Nhà nước cần định giá một số cổ phiếu ưu đãi cho những người phải di dời. Với những người dân chưa hiểu hết giá trị của cổ phiếu, cần giải thích cho họ hiểu về khối tài sản đó.

 

* Phương thức đền bù này sẽ tác động như thế nào đối với hoạt động đầu tư, cũng như công tác đền bù giải tỏa, thưa ông?

 

- Chắc chắn sẽ tác động tích cực đến hoạt động đầu tư, tăng thêm hiệu quả và tính bền vững của đầu tư. Riêng công tác đền bù sẽ đơn giản hơn bởi khi xây dựng các công trình đó, người dân sẽ nhiệt tình tham gia bởi công trình đó có tài sản, vốn đầu tư của họ. Khi đó, người dân cũng là những cổ đông của doanh nghiệp, là chủ đầu tư công trình. Không chỉ đối với công trình thủy điện mà với các công trình kinh tế khác cũng nên thực hiện phương thức này. Tôi nghĩ đã đến lúc, khi giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình kinh tế, cần có sự thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người dân có nhà cửa, đất đai bị giải tỏa.

 

TẤN LỘC - ĐỨC THÔNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek