Ngày 13/10 là một trong những cột mốc đáng nhớ trong lòng mỗi doanh nhân - doanh nghiệp Việt Nam.
Cách đây 70 năm, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi giới công thương Việt Nam với nội dung: “Hiện nay, công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc lợi dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng… Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng… Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này”. Và cách đây đúng 11 năm, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định 990/QĐ-TTg ngày 20/9/2004 cho phép lấy ngày 13/10 hàng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đây là một quyết định mang tính lịch sử, với nhiều ý nghĩa sâu sắc, vừa nhắc nhở đội ngũ doanh nhân chúng ta, vừa nhắc nhở các cơ quan chính quyền phải học tập và làm theo lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
PHÁT TRIỂN NHANH VỀ SỐ LƯỢNG VÀ CHẤT LƯỢNG
Hơn 10 năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tỉnh Phú Yên nói riêng đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, được coi là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Cùng với quá trình đổi mới kinh tế, nước ta đã và đang tích cực chủ động đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007. Đến nay, nước ta đã ký 11 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Australia, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Trung Quốc, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chile, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu, Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương) và đang tiếp tục đàm phán 4 FTA (ASEAN + 6, ASEAN - Hồng Kông, Việt Nam - EU, Việt Nam - EFTA). Quá trình hội nhập đã tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế của đất nước và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Đây là cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tỉnh Phú Yên nói riêng trong tình hình mới.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai tròcủa doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước... Nhờ đó, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân của tỉnh có bước phát triển tích cực, tăng nhanh về số lượng. Công tác sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước do tỉnh quản lý theo các phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã cơ bản hoàn thành. Sau khi sắp xếp, đổi mới, các doanh nghiệp đã năng động, sáng tạo hơn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, một số doanh nghiệp đã hoạt động có hiệu quả.
Với sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, các doanh nghiệp đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế xã hội và nguồn thu ngân sách của tỉnh (trong 10 năm 2004-2014 các doanh nghiệp đã nộp ngân sách 5.456 tỈ đồng), giữ vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Hàng năm, các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho khoảng 40.000 lao động. Đội ngũ doanh nhân ngày càng chú trọng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao vị thế, uy tín, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp... góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỉ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ; đồng thời đa dạng hóa các ngành, nghề sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa tiêu dùng cho xã hội; chú trọng phục hồi, phát huy các ngành nghề truyền thống, sản xuất các sản phẩm công nghiệp, thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, đội ngũ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã tích cực tham gia có hiệu quả các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội và các phong trào, hoạt động vì cộng đồng do tỉnh phát động như: tham gia xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, tham gia các chương trình từ thiện, quyên góp hỗ trợ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi; ủng hộ đồng bào thiệt hại do thiên tai... Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã đạt các doanh hiệu, giải thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng, như: Huân chương Lao động hạng nhì, hạng ba; các giải thưởng: Cúp Thánh Gióng, Sao Đỏ, Sao Vàng Đất Việt, Sao Vàng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Cúp Vàng Doanh nhân văn hóa, Doanh nhân Tâm tài, Bông Hồng Vàng, Cúp Sen Vàng, Bạch Thái Bưởi - Doanh nhân đất Việt thế kỷ XXI, Cúp Thương hiệu mạnh, giải thưởng Hàng Việt Nam chất lượng cao... Những thành tích đó càng khẳng định rõ vị trí và vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân của tỉnh trong công cuộc CNH-HĐH và hội nhập quốc tế...
TẠO MÔI TRƯỜNG SẢN XUẤT, KINH DOANH BÌNH ĐẲNG, THUẬN LỢI
Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 19-KH/TU ngày 29/2/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 03/KH-UBND ngày 8/1/2013. Theo đó, UBND tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, như: “Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân; hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân; đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc, truyền thống quê hương cách mạng của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa; phát huy vai trò của các tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân”.
Do vậy, tôi đề nghị các doanh nhân - doanh nghiệp của tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững; có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng và xã hội; phấn đấu đến năm 2020 có một số doanh nhân - doanh nghiệp của tỉnh có thương hiệu đạt tầm cỡ quốc gia và vươn ra khu vực Đông Nam Á. Các sở, ban ngành của tỉnh nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò của doanh nhân - doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân; thường xuyên lắng nghe và tham vấn ý kiến của doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, bền vững; hỗ trợ doanh nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn liền với doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong nước và nước ngoài thông qua các chương trình xúc tiến thương mại.
Qua các nội dung nêu trên, chúng ta thấy được vai trò quan trọng của các doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà và sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với sự phát triển các doanh nghiệp Phú Yên. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin biểu dương và chúc mừng các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh.
Đến ngày 30/9/2015, Phú Yên có 3.331 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 16.443 tỉ đồng. Hầu hết các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, số vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp là 4,9 tỉ đồng. Toàn tỉnh hiện còn 2.224 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 67% số doanh nghiệp đăng ký thành lập. |
NGUYỄN NGỌC ẨN
Phó chủ tịch UBND tỉnh