Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH-ĐT) vừa phối hợp với UBND tỉnh tổ chức hội thảo giới thiệu thông tin dự án Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp (VIIP). Trao đổi với Báo Phú Yên về những thông tin liên quan đến dự án này, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Giám đốc dự án VIIP, cho biết:
Ông Nguyễn Hoa Cương - Ảnh: L.HẢO |
- VIIP nhằm khai thác khoa học, công nghệ và đổi mới nhận thức để cải thiện khả năng đáp ứng nhu cầu của nhóm người nghèo, đặc biệt là những người sống ở vùng nông thôn, cải thiện chất lượng cuộc sống của người thu nhập thấp, giảm chênh lệch giàu nghèo trong xã hội. Khi đưa vào thực hiện, dự án sẽ góp phần tạo cơ chế khuyến khích nhà khoa học đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng; tạo cơ chế kết nối giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và ngân hàng; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ đổi mới vào sản xuất, tăng doanh thu và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
* Ban quản lý dự án VIIP dựa vào tiêu chí nào để đánh giá, lựa chọn hồ sơ tiểu dự án để tài trợ vốn, thưa ông?
- Ban quản lý đánh giá hồ sơ tiểu dự án dựa vào nhiều tiêu chí như tính khả thi, rủi ro, khả năng cấp bằng sáng chế, khả năng giảm giá thành sản phẩm và dịch vụ, số lượng người thu nhập thấp được hưởng lợi từ kết quả của tiểu dự án, năng lực của cá nhân hoặc tổ chức yêu cầu tài trợ… Trong đó, chúng tôi quan tâm đến hai tiêu chí quan trọng là đổi mới sáng tạo và khả năng thương mại hóa. Hiện nhiều người nghiên cứu khoa học nhưng chủ yếu mang tính học thuật chứ tính ứng dụng chưa cao. Trong khi đó, ban quản lý dự án mong muốn những nghiên cứu được tài trợ phải mang lại kết quả thực tế, có lợi cho nhiều người thu nhập thấp nên chúng tôi đặc biệt chú trọng đến khả năng thương mại hóa. Còn tiêu chí đổi mới sáng tạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế thời gian tới. Trước đây, chúng ta đã trải qua giai đoạn phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên và sử dụng lao động giá rẻ. Tuy nhiên, dần dần điều đó sẽ không phải là thế mạnh. Chỉ có đổi mới sáng tạo mới đem lại giá trị gia tăng. Vấn đề là làm sao để khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức phát huy sự sáng tạo, phát huy vai trò của mình. Vì vậy, chúng tôi cũng rất quan tâm đến tiêu chí đổi mới sáng tạo của các đối tượng được nhận hỗ trợ từ dự án.
* Trong ba lĩnh vực ưu tiên của dự án, theo ông, tại Phú Yên, dự án chú trọng hỗ trợ lĩnh vực nào?
- Dự án VIIP ưu tiên hỗ trợ ba lĩnh vực gồm phát triển dược liệu và y học cổ truyền, nông nghiệp - thủy sản, công nghệ thông tin và truyền thông. Trong đó, ở lĩnh vực phát triển dược liệu và y học cổ truyền, chúng tôi ưu tiên những tiểu dự án phát triển công nghệ mới có tác dụng nâng cao chất lượng sản phẩm dược liệu và thuốc y học cổ truyền; nâng cấp, hiện đại hóa các công nghệ hiện hữu và ứng dụng công nghệ mới trong quy trình sản xuất. Ở lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản, VIIP ưu tiên các tiểu dự án liên quan đến việc giảm tổn thất sau thu hoạch; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng sạch; nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các loại nông sản và thủy sản. Còn lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông thì chú trọng đến các tiểu dự án tăng cường sự sẵn có, liên tục và năng lực tiếp cận thông tin, sản xuất nội dung thông tin phục vụ nhu cầu của người thu nhập thấp; thiết kế, sản xuất những thiết bị, đồ dùng công nghệ truyền tin gần gũi, đem lại lợi ích cho người thu nhập thấp.
Cả ba lĩnh vực nêu trên đều mang tính phổ biến trên toàn lãnh thổ Việt Nam và Phú Yên cũng không ngoại lệ. Phú Yên có Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung, có những cá nhân có thể phát huy năng lực sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đặc biệt, Phú Yên có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản, nhưng đây cũng là thế mạnh chung của nhiều tỉnh vùng đồng bằng, duyên hải. Do đó, điều quan trọng mà chúng tôi mong muốn là các tiểu dự án phải hướng đến người thu nhập thấp. Người thu nhập thấp có thể là đối tượng hưởng lợi từ kết quả nghiên cứu của tiểu dự án, có thể là người tham gia trong chuỗi sản xuất của doanh nghiệp để mang lại nguồn thu nhập cho bản thân và gia đình...
Đại diện Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Phú Yên tìm hiểu thông tin về dự án VIIP - Ảnh: L.HẢO |
* Từ khi triển khai đến nay, dự án đã đạt được những kết quả nào? Sắp tới, ban quản lý dự án sẽ tiếp tục làm gì?
- Dự án đã có giai đoạn chuẩn bị từ năm 2012 và thực hiện từ cuối năm 2013. Từ đó đến nay, ban quản lý dự án liên tục thông báo mời nộp hồ sơ đề xuất dự án. Kết thúc đợt thứ nhất vào ngày 31/3/2015, chúng tôi nhận được 73 đề xuất dự án; qua đánh giá, chọn lọc, chúng tôi chọn được trên 10 đề xuất dự án có thể chuẩn bị tài trợ. Đợt thứ hai kết thúc vào ngày 15/9 vừa qua, ban quản lý dự án nhận được hơn 100 đề xuất; và dự kiến đến cuối năm nay, chúng tôi sẽ kết thúc đợt nhận hồ sơ đề xuất dự án lần thứ ba. Mỗi năm, chúng tôi cũng có hai đến ba lần kêu gọi các đơn vị, cá nhân nộp hồ sơ như thế. Khi nhận được hồ sơ, chúng tôi sẽ tổ chức đánh giá nhưng đây chỉ là bước đầu trong quá trình xem xét đề xuất dự án; ban quản lý dự án có quyết định tài trợ hay không còn phụ thuộc vào việc cá nhân, đơn vị đề xuất dự án triển khai như thế nào. Ban quản lý dự án sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực tế và các cá nhân, đơn vị nhận tài trợ sẽ phải báo cáo tiến độ thực hiện dự án; ban quản lý dự án sẽ giải ngân tiền hỗ trợ theo tiến độ thực hiện dự án.
* Cảm ơn ông!
LÊ HẢO (thực hiện)