Thời gian qua, chợ “cóc” là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông, an ninh trật tự và làm mất mỹ quan đô thị. Để giải quyết tình trạng này, UBND TP Tuy Hòa chỉ đạo các xã, phường, ngành liên quan trên địa bàn kiên quyết xóa bỏ loại chợ này nhằm lập lại an ninh trật tự và mỹ quan đô thị.
NHIỀU CHỢ “CÓC” MỌC LÊN
Hiện nay, tình trạng chợ “cóc” mọc lên khá nhiều trên địa bàn TP Tuy Hòa. Gần như khu vực nào kinh tế phát triển, với một khoảng đất trống, vỉa hè rộng rãi, nhu cầu tiêu dùng cao là ở đó mọc lên chợ. Các chợ này họp hàng ngày theo nhu cầu mua sắm của người dân. Điều dễ nhận thấy là đa phần các chợ họp ở những đầu mối giao thương quan trọng, đông người qua lại. Điển hình như chợ “xổm” trên đường Nguyễn Thị Định, phường Phú Lâm. Chợ thường hoạt động từ 6 giờ đến 8 giờ sáng hàng ngày. Dù chính quyền địa phương cử lực lượng dẹp bỏ nhiều lần nhưng chợ “xổm” này vẫn tồn tại. Người bán hàng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán. Ở đây có đủ các hình thức bán từ sạp, bàn hay chỉ một tấm ni lông, bao tải trải xuống đường là có thể bán hàng. Rất nhiều hàng thực phẩm được bày bán tại khu vực này từ trái cây, rau củ đến thịt, cá…
Không chỉ tại khu vực đường Nguyễn Thị Định, các chợ “cóc” trên đường Mậu Thân, phường 9 cũng là nỗi bức xúc của nhiều người tham gia giao thông và chính quyền địa phương. Nhiều người ngồi bày biện thực phẩm bán ngay trên lòng đường, khiến các phương tiện qua lại rất khó khăn. Còn trên các tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, Hùng Vương, Nguyễn Huệ, Tản Đà, Lê Trung Kiên… thời gian gần đây một vài người mang hải sản bán trên vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Ông Nguyễn Hùng ở phường 9, bức xúc: “Mỗi sáng sớm đi xuống biển để tập thể dục, khi qua đường Hùng Vương (đoạn gần Viễn thông Phú Yên) ai cũng phải hít mùi hôi tanh nồng từ việc buôn bán hải sản của một số người trên vỉa hè. Dù rất bức xúc, nhưng chẳng biết kiến nghị ai”. Hay như tại góc đường Ngô Gia Tự - 22 Tháng 12 (phường Phú Đông), gần trường mầm non phường) gần đây cũng xuất hiện một chợ “xổm”. Chợ này chỉ họp vài giờ trong buổi sáng nhưng cũng nhộn nhịp không kém các chợ khác.
KIÊN QUYẾT XÓA BỎ
Dù rằng các chợ “cóc” mọc lên là do nhu cầu mua sắm của người dân, nhưng đi liền với đó là những bất cập cần được giải quyết. Việc các chợ ngang nhiên lấn chiếm lòng lề đường không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn làm mất mỹ quan và môi trường đô thị. Bà Đặng Thị Thạnh ở phường Phú Lâm, cho biết: “Các chợ tạm hoạt động khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Mỗi lần đi qua khu vực chợ tạm trên đường Nguyễn Thị Định tôi sợ tai nạn giao thông xảy ra. Người mua, kẻ bán cứ vô tư đứng giữa đường để ngã giá, trao đổi. Đoạn đường này vào buổi sáng lại rất đông xe cộ qua lại vì gần các trường học. Tôi nghĩ chính quyền nên cương quyết xóa bỏ chợ này”.
Trong khi đó, theo ông Ngô Minh Hiếu, Phó chủ tịch UBND phường 9, việc giải tỏa chợ “cóc” trên đường Mậu Thân gặp rất nhiều trở ngại do đa số người bán hàng ở chợ này là nông dân, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Phường đã phối hợp với Phòng Quản lý đô thị thành phố tiến hành giải tỏa nhiều lần, nhưng sau đó chợ vẫn mọc trở lại.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Tuy Hòa, UBND phường 9 đã cử lực lượng tuần tra dọc đường Hùng Vương để ngăn tình trạng người dân họp chợ trên vỉa hè. Đồng thời chỉ đạo cho ban nhân dân các khu phố đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, nhân dân không nên dừng xe ở những nơi chợ “cóc” để mua hàng. Còn tại phường Phú Đông, địa phương này cũng đã lập đội xóa bỏ chợ tạm trên đường Ngô Gia Tự.
Theo ông Lê Vĩnh Thành, Phó chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, xóa bỏ chợ tạm là một trong những mục tiêu hàng đầu của chính quyền địa phương trong quá trình xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp. Thành phố đã chỉ đạo các xã, phường kiên quyết thực hiện vấn đề này một cách nghiêm túc và triệt để. Nếu địa phương nào không giải quyết triệt để, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố.
NHƯ THANH