Với bình quân thực hiện khoảng 170 cuộc kiểm toán mỗi năm, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước thống kê, từ năm 2010 tới hết năm 2014, các đơn vị trong ngành đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 99.000 tỉ đồng.
Con số này vừa được ông Lê Huy Trọng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán Nhà nước đưa ra trong đại hội thi đua yêu nước của cơ quan này diễn ra ngày 28/9 tại Hà Nội. Theo ông Trọng, con số trên chiếm tới 68% tổng số kiến nghị đã xử lý tài chính trong 20 năm qua của ngành.
Trong số này, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho hay, kiến nghị đã giúp tăng thu 18.000 ngân sách Nhà nước và giảm chi khoảng hơn 19.000 tỉ đồng. Đặc biệt, theo thống kê của ngành kiểm toán, các khoản nợ đọng trong 5 năm qua kiểm toán đã phát hiện thêm gần 9.000 tỉ đồng.
Nhìn lại kết quả những năm qua, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, kết quả kiểm toán đã chỉ ra nhiều thiếu sót, tồn tại trong quản lý điều hành ngân sách. Theo kết quả, phía Kiểm toán Nhà nước cho biết đã cung cấp 59 hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Những hồ sơ đã cung cấp được đại diện Kiểm toán Nhà nước chỉ ra bao gồm 29 hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra và 30 hồ sơ cho các cơ quan có thầm quyền khác. Số hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật để phía cảnh sát điều tra làm rõ và xử lý trong số trên là 10 vụ việc.
Nói về giai đoạn 2015-2020, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết, một trong những mục tiêu đề ra là hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động Kiểm toán Nhà nước. Ngoài ra, việc xây dựng hoàn thiện quy trình, chuẩn mực và các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán theo Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi cũng là vấn đề đặt ra với toàn ngành.
Góp ý thêm, đại diện Kiểm toán Nhà nước khu vực 12 cho rằng, để nâng cao chất lượng kiểm toán, một giải pháp cần tính tới là có kế hoạch phân công nhiệm vụ kiểm toán với từng đoàn ngay từ đầu năm để các đơn vị có kế hoạch định hướng và thời gian nghiên cứu chuyên sâu.
Vị đại diện này cũng nêu lên một giải pháp khác là thực hiện kiểm toán trên cơ sở phân tích rủi ro, độ phức tạp của đơn vị được kiểm toán. "Cần cụ thể hóa trọng tâm kiểm toán, rủi ro kiểm toán để tập trung kiểm toán những vấn đề, nội dung trọng yếu", đại diện Kiểm toán Nhà nước khu vực 12 đánh giá.
Theo TTXVN/Vietnam+