UBND tỉnh vừa có kế hoạch triển khai đề án Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng, giai đoạn 2015-2020 tại tỉnh.
Theo đó, mục tiêu của kế hoạch phấn đấu trên 80% xã sản xuất cây trồng nông, lâm nghiệp có đội ngũ nông dân nòng cốt được trang bị kiến thức, kỹ năng thành thạo về IPM; trên 70% số hộ nông dân sản xuất nông nghiệp hiểu biết và áp dụng IPM; trên 70% diện tích gieo trồng các cây trồng chính được áp dụng IPM.
Kế hoạch đề ra một số nội dung chủ yếu để thực hiện đề án như xây dựng kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất và cộng đồng về nguy cơ do hóa chất bảo vệ thực vật gây ra đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái; xây dựng quy trình áp dụng các nguyên tắc IPM cho từng cây trồng; quy trình thâm canh cây trồng bền vững; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật tổ chức các lớp huấn luyện nông dân về IPM. Đồng thời xây dựng mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý dịch hại bền vững, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; nhân rộng áp dụng IPM trong sản xuất đại trà, mở rộng ứng dụng IPM trên các đối tượng cây trồng tại các xã, gắn với xây dựng cánh đồng lớn trên cơ sở phát huy tối đa nguồn lực của người sản xuất, ngân sách nhà nước hỗ trợ thông qua lồng ghép các chương trình, dự án tại địa phương.
Một số giải pháp thực hiện cũng được đề ra, trong đó đề cập việc nâng cao kỹ năng, kỹ thuật cho nhân viên bảo vệ thực vật cấp xã, khuyến nông viên cơ sở và đội ngũ nông dân nòng cốt về IPM thông qua các lớp học hiện trường và thực nghiệm trên đồng ruộng; tạo điều kiện để lực lượng này phát huy vai trò hướng dẫn, giúp đỡ cộng đồng thực hiện các hoạt động IPM.
Bên cạnh đó, phối hợp, lồng ghép thực hiện đề án IPM với các chương trình, đề án khác như: chương trình “Xây dựng cánh đồng lớn”; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đề án Giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, nông thôn..., trên cơ sở các đề án ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện.
(PYP)