Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng liên quan đến các doanh nghiệp, cơ sở may mặc gây thiệt hại lớn. Trước thực trạng trên, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH) - Công an tỉnh, đã tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, tuyên truyền về công tác PCCC cho các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là một hoạt động quan trọng nhằm hướng đến Ngày toàn dân PCCC (ngày 4/10).
“Hiện vẫn còn một số doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến việc trang bị, kiểm tra, thay thế, bổ sung các thiết bị PCCC. Một số cơ sở sản xuất có nhà xưởng nhỏ vẫn còn tình trạng để hàng hóa che lấp tiêu lệnh PCCC, lối thoát hiểm, hệ thống điện chưa thực sự an toàn... Lực lượng cảnh sát PCCC đã nhắc nhở những đơn vị này khắc phục những thiếu sót trên để đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động cũng như đảm bảo tài sản cho doanh nghiệp”, trung tá Đào Thế Hải, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH - Công an tỉnh cho biết. |
TRANG BỊ THIẾT BỊ PCCC
Theo Phòng PCCC-CNCH, toàn tỉnh có khoảng 20 doanh nghiệp may mặc, với khoảng trên 6.000 lao động; trong đó hơn 80% là lao động nữ. Các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong ngành may công nghiệp có rất nhiều yếu tố dễ gây cháy, từ nguyên liệu, phụ liệu cho đến các kho thành phẩm. Ngay đến môi trường làm việc với nhiều bụi vải cũng rất “nhạy” với tia lửa. Đặc biệt, đối với các loại vải, khi cháy sẽ sinh ra chất độc hại, rất nguy hiểm. Trong khi đó, tại các xưởng may, hầu hết các công đoạn đều có sử dụng thiết bị điện, các thiết bị lò hơi, máy nén khí... tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ cao. Do vậy, tại các cơ sở này, công tác PCCC luôn được quan tâm hàng đầu.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Phú Yên, cho biết: Nhà máy may Phong Phú (trực thuộc công ty) có 10 chuyền may và một số khu phụ trợ với 525 lao động, chủ yếu là lao động nữ. Trong nhà máy luôn chứa một lượng lớn vải, nguyên phụ liệu, thành phẩm... Ngoài ra, trong xưởng còn có các thiết bị máy nén khí, lò hơi, máy áp lực... phục vụ cho các công đoạn may. Đây đều là những vật liệu, thiết bị có nguy cơ cháy nổ lớn, rất nguy hiểm nếu không được sử dụng, quản lý đúng kỹ thuật. Do vậy, bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh thì công tác đảm bảo an toàn PCCC luôn được công ty quan tâm hàng đầu. Công ty đã đầu tư, hoàn thiện các hệ thống, thiết bị PCCC như hệ thống báo cháy, báo khói tự động, hệ thống thoát hiểm, máy bơm, hồ chứa... Mục tiêu của đơn vị là phòng ngừa tối đa các nguy cơ cháy nổ và giảm thiểu rủi ro cao nhất khi có sự cố xảy ra.
Còn ông Huỳnh Văn Thọ, Giám đốc xí nghiệp may An Phát, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, cho biết: Xí nghiệp may An Phát đi vào hoạt động chính thức từ tháng 12/2014 với hơn 240 lao động. Doanh nghiệp chủ yếu làm việc với các đối tác nước ngoài rất kỹ tính không chỉ về chất lượng sản phẩm mà còn đòi hỏi rất cao về các điều kiện kỹ thuật, môi trường sản xuất, kinh doanh, trong đó có các điều kiện về an toàn PCCC. Doanh nghiệp đã trang bị tất cả các thiết bị PCCC hiện đại nhất như hệ thống chống sét, các thiết bị báo cháy, chữa cháy tự động, bình chữa cháy, lối thoát hiểm... Đặc biệt, tại các khu vực nhạy cảm và có nhiều hàng hóa có giá trị cao như kho nguyên liệu, kho thành phẩm còn được trang bị thêm các quả cầu chữa cháy bằng bột chữa cháy. Khi có phản ứng nhiệt, mỗi quả cầu này sẽ tự bung ra, dập tắt lửa trong phạm vi 4m2, đảm bảo an toàn hàng hóa trong khu vực này.
Tại các cơ sở may mặc, công tác PCCC luôn được quan tâm hàng đầu - Ảnh: N.XUÂN |
TUYÊN TRUYỀN Ý THỨC PCCC CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Không chỉ trang bị đầy đủ các thiết bị chữa cháy, các doanh nghiệp may mặc còn đặc biệt quan tâm đến việc trang bị kiến thức, kỹ năng chữa cháy cũng như thoát nạn cho người lao động. Anh Trần Vũ Từ Tâm, Đội trưởng Đội PCCC xí nghiệp may An Phát, cho biết: Công ty đã thành lập đội phòng cháy chữa cháy với 25 người, thuộc các tổ, các bộ phận. Những thành viên này được tập huấn về kiến thức PCCC, có nhiệm vụ kiểm tra, nhắc nhở người lao động về các biện pháp an toàn trong quá trình sản xuất và sau mỗi ngày làm việc. Đơn vị cũng tổ chức diễn tập PCCC tại công ty, đưa ra các tình huống báo cháy giả định (không báo trước) để người lao động ứng phó, chủ động thoát hiểm khi có sự cố xảy ra. Chị Lê Thị Tâm, công nhân may tại xí nghiệp may An Phát, cho biết: Tại xưởng may này, chúng tôi đều phải tuân theo các quy định làm việc của doanh nghiệp, trong đó việc đảm bảo an toàn PCCC được đặt lên hàng đầu. Điều này không chỉ có lợi cho công ty, mà bản thân người lao động cũng cảm thấy an tâm hơn vì làm việc trong một môi trường an toàn, hiệu quả.
Trung tá Đào Thế Hải, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH - Công an tỉnh, cho biết: Qua kiểm tra thực tế tại các cơ sở may mặc trên địa bàn tỉnh, đa phần các doanh nghiệp đã chấp hành tốt các quy định, trang bị khá đầy đủ các thiết bị PCCC. Công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức PCCC cho người lao động cũng được quan tâm.
NGÔ XUÂN