Hiện nay là mùa vịt chạy đồng, cơ quan thú y cùng các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp kiểm soát, không để dịch bệnh phát sinh, lây lan.
TĂNG ĐÀN ĐÓN ĐỒNG
Theo người dân, so với mô hình nuôi nhốt thì nuôi vịt chạy đồng mang lại hiệu quả kinh tế hơn nhờ giảm được chi phí thức ăn. Vì vậy nhiều hộ nuôi vịt đã đón đồng, cho tăng đàn từ gần 2 tháng trước. Ông Nguyễn Thái Chung ở xã An Thạch (huyện Tuy An), cho biết: Để kịp đón đồng, gia đình tôi đã mua thêm 1.000 con giống từ khi lúa bắt đầu trổ. Đến nay, vịt vừa đủ tuổi bước vào mùa chạy đồng. Theo ông Chung, nếu nuôi vịt cò thì khoảng 4 tháng, vịt sẽ bắt đầu cho trứng, còn vịt siêu thì khoảng 6 tháng. Căn cứ vào đó mà người nuôi vịt tính toán thời gian tăng đàn hợp lý để khi bắt đầu vào mùa chạy đồng thì vịt cũng bước vào mùa sinh sản, hiệu quả kinh tế sẽ hơn nhiều.
Tương tự, ông Trần Văn Đặng, một hộ nuôi vịt chạy đồng ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), cho hay: Mùa đồng này, tôi thuê được 100ha ruộng ở xã Hòa Quang Bắc để chăn vịt. Từ hơn 1 tháng trước, tôi đã tăng thêm 1.000 con vịt đẻ, nâng đàn vịt của gia đình lên 4.000 con. Hiện đàn vịt của tôi bắt đầu cho trứng. Khoảng 10 ngày nữa khi lúa thu hoạch xong thì vịt cũng bước vào thời điểm cho trứng rộ, đúng như tính toán của tôi. Sau khi mùa đồng ở Phú Yên kết thúc, tôi sẽ đưa đàn vịt vào chạy đồng ở Bình Thuận, sau đó sẽ đi tiếp vô Đồng Nai… rồi về lại Phú Yên khi vào vụ lúa mùa.
Theo tính toán của nhiều hộ nuôi vịt, nếu nuôi nhốt, 1.000 con vịt giai đoạn cho trứng, mỗi ngày sẽ ăn hết 4,5 bao thức ăn (loại 40kg/bao), với giá 360.000 đồng/bao, vị chi tốn hết 1,6 triệu đồng/ngày. Trong khi đó, mỗi đêm, 1.000 con vịt đẻ được từ 850 đến 900 trứng. Với giá trứng khoảng 18.000 đồng/chục (10 trứng) thì chỉ thu được từ 1,5 đến 1,6 triệu đồng (tùy vào tỉ lệ đẻ). Tính ra, nuôi vịt nhốt, cho ăn cám không có lời mà còn rất dễ bị lỗ, khi tỉ lệ cho trứng của vịt bị giảm. Còn nuôi vịt chạy đồng, mỗi ngày người nuôi chỉ cần bổ sung khoảng 10kg thức ăn cho 1.000 con vịt đẻ, chi phí thức ăn giảm hẳn. Nhờ vậy, người nuôi vịt có lãi khi giá trứng vịt đang giảm mạnh như hiện nay.
GIÁM SÁT DỊCH BỆNH
Chính vì người nuôi vịt tăng đàn mạnh trong mùa gặt, đồng thời, nhiều đàn vịt đang được chăn thả ở các tỉnh ngoài cũng dồn về ăn đồng ở Phú Yên nên đây là thời điểm nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao, gây nhiều áp lực cho cơ quan thú y. Theo Chi cục Thú y, hiện đơn vị này đã chỉ đạo cho trạm thú y huyện, thị, thành phố tăng cường phối hợp cùng chính quyền địa phương giám sát, kiểm soát đàn vịt chạy đồng, đảm bảo không có đàn vịt nào chưa được tiêm phòng vắc xin đầy đủ được ra, vào địa phương.
Ông Tống Văn Đường, Trưởng trạm Thú y huyện Tuy An, cho biết: Hiện nhiều xứ đồng ở Tuy An đang bước vào mùa thu hoạch rộ, các hộ chăn nuôi vịt đang tập trung đàn về đứng đồng, chờ chạy. Qua kiểm tra, hầu hết đàn vịt của người dân địa phương, không có tình trạng các tỉnh khác chạy đàn về, nên việc kiểm soát cũng khá thuận lợi.
Còn theo ông Hoàng Kim Chung, Trưởng trạm Thú y huyện Sông Hinh, đàn gia cầm của địa phương này không nhiều, nhưng vào các mùa đồng thì nhiều chủ vịt ở các huyện khác đưa vịt về đây để ăn đồng nên công tác kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
Tại huyện Phú Hòa, ông Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng trạm Thú y huyện này, cho hay: Hiện trạm phối hợp cùng các cán bộ thú y tăng cường kiểm soát việc chăn nuôi vịt của người dân. Đặc biệt, công tác này chú trọng đến các đàn vịt từ nơi khác di chuyển đến, đảm bảo tất cả đàn vịt này đều được tiêm phòng và nhốt cách ly đúng quy định khi nhập vào. Trong khi đó, các địa phương cũng đã tổ chức nhiều biện pháp nhằm giám sát hiệu quả đàn vịt chạy đồng trên địa bàn bằng cách kiểm soát việc cho thuê đồng và theo dõi sổ nhập, xuất đàn vịt ra vào địa phương.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, khuyến cáo, hiện dịch cúm gia cầm A/H5N1 đang xảy ra tại các tỉnh Ninh Thuận và Vĩnh Long. Nguy cơ phát sinh dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh là rất cao, nhất là trong mùa vịt chạy đồng. Để không xảy ra dịch bệnh, nhất là dịch cúm A/H5N1, người chăn nuôi cần tuyệt đối tuân thủ quy định tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định, chú trọng vệ sinh, tiêu độc sát trùng để hạn chế mầm bệnh lây lan trong không khí. Đồng thời, bà con nên tuân thủ việc khai báo, phát hiện sớm dịch bệnh, không được giấu dịch, bán chạy gia cầm bệnh… |
SƠN CA