Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2008, đến năm 2020, Phú Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Xác định mục tiêu này, thời gian qua, ngành Điện đã tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ tốt khách hàng tại các khu công nghiệp trong tỉnh - là những doanh nghiệp “xương sống” của kinh tế địa phương.
CUNG CẤP ĐIỆN ỔN ĐỊNH, AN TOÀN
Ông Phạm Văn Tây, Trưởng phòng Kế hoạch Công ty Điện lực Phú Yên, cho biết: Thực hiện chủ trương của Chính phủ, thời gian qua, Công ty Điện lực Phú Yên triển khai nhiều biện pháp, tranh thủ nguồn vốn của các dự án để đầu tư, cải tạo lưới điện trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sử dụng điện của khách hàng. Hàng năm, tùy thuộc vào nhu cầu, công ty đầu tư một số phụ tải chuyên dùng trong khu công nghiệp khoảng 2 tỉ đồng/năm.
Hiện các doanh nghiệp hoạt động tại KCN Đông Bắc Sông Cầu tiêu thụ khoảng 15 triệu kWh/năm, chiếm khoảng 25% tổng sản lượng điện toàn TX Sông Cầu, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Ông Đỗ Trọng Định, Giám đốc Công ty TNHH Tân Bình Phú (KCN Đông Bắc Sông Cầu), đánh giá: “Từ tháng 1/2015 đến nay, ngành Điện cung cấp điện đầy đủ, liên tục và ổn định. Vì thế, đơn hàng của công ty không bị ách tắc, 300 công nhân có việc làm thường xuyên và thu nhập ngày càng cao nhờ làm tăng ca”.
Ông Trần Ngọc Toàn, Giám đốc Điện lực Sông Cầu, cho biết: Để đảm bảo cung cấp điện an toàn và liên tục, từ đầu năm đến nay, Điện lực Sông Cầu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Trong đó có việc phân công Phó giám đốc Điện lực trực tiếp theo dõi công tác cấp điện, thường xuyên kiểm tra hành lang an toàn, vệ sinh, bảo dưỡng lưới điện để đảm bảo cấp điện cho khách hàng.
Còn tại huyện Đông Hòa, vừa qua, Công ty Điện lực Phú Yên đầu tư ba trạm biến áp mới với dung lượng 1.050kVA và nâng công suất một trạm biến áp từ 160kVA lên 250kVA. Đến nay, số lượng khách hàng sử dụng điện tại KCN Hòa Hiệp tăng lên 45 doanh nghiệp, với sản lượng điện hơn 2,1 triệu kWh, chiếm 22,3% sản lượng của toàn huyện Đông Hòa. “Trước tình hình phụ tải ngày càng tăng, đối với KCN Hòa Hiệp, ngành Điện xây dựng một xuất tuyến 472 để cung cấp điện riêng cho các doanh nghiệp và có nguồn dự phòng từ xuất tuyến 476. Hàng năm, Điện lực đều tổ chức bảo dưỡng đường dây định kỳ”, ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Điện lực Đông Hòa, nói.
HẠN CHẾ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP
Không chỉ nỗ lực cung cấp điện ổn định, an toàn phục vụ phát triển kinh tế địa phương, thời gian qua, ngành Điện còn triển khai nhiều dịch vụ nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng điện của khách hàng. Ông Trần Tuấn Bảo, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Phú Yên cho biết, trong số các dịch vụ mà công ty triển khai, phải kể đến dịch vụ thông báo thanh toán tiền điện qua tin nhắn SMS/email, qua ngân hàng; lịch tạm ngưng cung cấp điện được thông báo đến các khách hàng bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, Công ty Điện lực Phú Yên đã lắp đặt 965 bộ modern đo đếm để các khách hàng lớn có thể tự theo dõi công suất và sản lượng điện sử dụng hàng ngày, hàng giờ thông qua chương trình theo dõi MDMS.
Tại Công ty cổ phần Bá Hải (KCN Hòa Hiệp), năm nay, sản lượng điện tiêu thụ tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014, do có nhiều đơn hàng thủy sản từ các đối tác trong và ngoài nước. Theo ông Lê Hải Đăng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Bá Hải, thời gian qua, Điện lực Đông Hòa phục vụ tốt nhu cầu sử dụng điện của công ty, đặc biệt là không cắt sa thải phụ tải. “Công ty hạn chế vận hành hệ thống thiết bị của nhà máy chế biến thủy sản vào giờ cao điểm, tăng cường vận hành vào giờ thấp điểm, nhằm tiết kiệm điện. Nhờ đó, mỗi tháng, công ty tiết kiệm được 70% chi phí điện năng. Ngoài ra, công ty còn bố trí một nhân viên theo dõi sản lượng điện tiêu thụ hàng ngày thông qua chương trình MDMS mà Điện lực cung cấp, giúp cân đối nguồn điện cũng như vận hành hệ thống máy móc của nhà máy được ổn định”, ông Đăng cho biết.
Còn bà Huỳnh Thị Mỹ Tình, kế toán Công ty TNHH Thái Thịnh - một trong những doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn tại KCN Đông Bắc Sông Cầu, nhận xét: “Hàng tháng, công ty phải thanh toán hơn 300 triệu đồng tiền điện. Nhờ dịch vụ thông báo tiền điện qua tin nhắn SMS và email đúng ngày, đúng kỳ đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi trong việc thanh toán tiền điện, không phải chờ có thông báo giấy như trước đây”.
Cùng quan điểm như ông Đăng, bà Tình, ông Đỗ Trọng Định khẳng định: Điện lực Sông Cầu luôn phối hợp tốt với công ty trong việc kiểm tra hệ thống điện theo định kỳ, giải đáp các thắc mắc về điện khi công ty có yêu cầu. Khi tạm ngừng cung cấp điện để sửa chữa, Điện lực Sông Cầu thông báo bằng nhiều hình thức khác nhau và “canh” thời gian thuận lợi để cắt điện nhằm không làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của công ty”.
Ông Lê Minh Trung, Phó giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên, cho biết, trong thời gian đến, nhằm cung cấp điện ổn định cho khách hàng, công ty đã lập kế hoạch xây dựng các xuất tuyến mạch vòng để khi mất điện ở xuất tuyến này thì đảm bảo khách hàng được cung cấp từ xuất tuyến khác, không gây mất điện cho khách hàng, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ông Trung còn cho biết thêm: “Để tăng cường cung cấp điện cho KCN Hòa Hiệp và các vùng lân cận, ngành Điện đang đầu tư thêm một máy biến áp với dung lượng 25MVA tại trạm biến áp 110kV Hòa Hiệp. Đồng thời nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, công ty vừa đưa vào sử dụng tổng đài 19001909, giúp khách hàng biết mọi thông tin sử dụng điện và được giải đáp mọi yêu cầu, thắc mắc về tình hình sử dụng điện”.
“Công ty Điện lực Phú Yên đang cung cấp điện cho 91 doanh nghiệp hoạt động tại ba khu công nghiệp trong tỉnh, với sản lượng đạt trung bình khoảng 3,5 triệu kWh/tháng, chiếm 6,2% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn công ty. Nhờ nguồn điện được cung cấp ổn định đã góp phần làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng phát triển”, ông Phạm Văn Tây cho biết. |
HOA HỒNG