* ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2015
Tại báo cáo cập nhật kinh tế được công bố sáng 22/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2015 và 6,6% vào năm 2016, cao hơn nhiều so với dự báo trước đó của chính ADB. Đầu năm nay, ADB chỉ dự báo tăng trưởng 2015 của Việt Nam ở mức 6,1% và năm sau là 6,2%.
Ông Eric Sidgwick, tân Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định việc nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế là kết quả của nhiều yếu tố, như sản xuất công nghiệp tốt hơn, doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh xuất khẩu... Niềm tin của người tiêu dùng tăng lên, chính sách mở thêm room thị trường chứng khoán, bất động sản củng cố niềm tin của doanh nghiệp. Lạm phát thấp cũng hỗ trợ tăng trưởng, cho phép Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Sang năm 2016, lạm phát dự báo sẽ cao hơn do ảnh hưởng từ việc phá giá tiền đồng.
"Với việc phá giá tiền đồng gần đây, lạm phát từ nhập khẩu sẽ tăng lên đôi chút trong những tháng tới và năm 2016. Xu hướng tiêu dùng tăng, tín dụng cao hơn sẽ phải tiếp tục theo dõi, tạo áp lực lên lạm phát. Đó là lý do chúng tôi dự báo lạm phát tăng cao hơn trong năm 2016. Nhưng điều này cũng cho thấy Việt Nam không phải lo ngại về giảm phát, chúng ta còn xa mới đến tình trạng này” - ông Sidgwick nói.
Đại diện của ADB cũng chỉ ra một số thách thức Việt Nam phải đối mặt. Đó là tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc - đối tác quan trọng của Việt Nam đang suy giảm, kéo theo triển vọng thương mại ảm đạm hơn. Giá hàng hóa thế giới ở mức thấp cũng ảnh hưởng đến việc xuất khẩu dầu mỏ và nông nghiệp. Để giảm nhẹ tác động của những thách thức này, các chuyên gia ADB cho rằng Việt Nam cần tiếp tục tiến hành tái cơ cấu và cải cách khu vực tài chính sâu rộng hơn, nâng cao năng suất và đẩy mạnh năng lực cạnh tranh.
Trong khi đó, ADB lại hạ dự báo báo tăng trưởng đối với phần lớn các nước, cho rằng việc kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng chậm lại, cộng với sức phục hồi chậm của các nền kinh tế phát triển sẽ “hợp sức” kìm hãm tốc độ tăng trưởng của các nước châu Á đang phát triển trong cả năm 2015 và 2016. ADB dự báo khu vực châu Á đang phát triển sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm nay, thấp hơn so với mức 6,2% đưa ra hồi tháng 3.
* Hãng tin Yonhap ngày 22/9 dẫn báo cáo cùng ngày của ADB cho biết tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2015 từ mức 3,5% xuống 2,7% do tác động từ sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc. Theo báo cáo của ADB, kinh tế Hàn Quốc đang chịu áp lực lớn do tiêu dùng nội địa suy yếu và sự sụt giảm trong lĩnh vực xuất khẩu bắt nguồn từ việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Tổ chức này cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc trong nă 2016 từ 3,7% xuống 3,4%. Ngoài ra, ADB cũng dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển ở châu Á trong năm nay ở mức 5,8%, giảm so với mức 6,3% đưa ra trước đó.
Ông Shang-Jin Wei, Kinh tế trưởng của ADB, cho biết: “Các nền kinh tế phát triển ở châu Á dự kiến sẽ tiếp tục là khu vực đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu bất chấp việc tăng trưởng sụt giảm, tuy nhiên các nước này sẽ phải đối mặt với một số trở ngại nhất định trong chính sách tiền tệ cũng như quan ngại về việc các dòng vốn rút ra khỏi các thị trường này".
Hồi tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã trì hoãn việc tăng lãi suất, tuy nhiên ADB cảnh báo các công ty châu Á đang có các khoản nợ nước ngoài lớn có thể sẽ đối mặt với rủi ro một khi Fed quyết định tăng lãi suất. Báo cáo của ADB chỉ rõ, trong vài năm qua, các công ty châu Á đã tăng các khoản vay bằng đồng USD nhằm tận dụng lợi thế lãi suất thấp của Mỹ. Việc đồng USD tăng cao như hiện nay khiến các công ty này đối mặt với áp lực trả nợ cao hơn bằng đồng nội tệ. Ngoài ra, vấn đề thanh khoản được xiết chặt hơn trước có thể khiến cho việc tái cấp vốn để trả các khoản nợ này trở nên khó khăn và tốn kém hơn.
H.N (tổng hợp từ SGGPO, Vietnam+)