Những năm gần đây, hạn hán diễn ra ngày càng gay gắt đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân trong tỉnh. Trước thực trạng này, ngoài các giải pháp bảo vệ, điều tiết nguồn nước sử dụng đa mục tiêu, tỉnh Phú Yên đã chủ động chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả để thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
NHIỀU GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ
Theo Bộ NN-PTNT, dự kiến vụ mùa 2016, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ chuyển đổi 8.891ha cây trồng. Trong đó, Tây Nguyên 4.466ha, vùng duyên hải Nam Trung Bộ 4.425ha và tỉnh Phú Yên chuyển đổi 500ha, chủ yếu là lúa một vụ thiếu nước sang trồng bắp và đậu các loại. |
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Phú Yên, từ đầu năm 2015 đến nay, tổng lượng mưa trong tỉnh chỉ đạt từ 20 đến 80mm, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 đến 50%. Còn theo Sở NN-PTNT, mấy năm gần đây vào mùa khô, nước các hồ thủy lợi luôn ở mức thấp, việc cung cấp nước tưới cho cây trồng vụ hè thu gặp nhiều khó khăn. Một số vùng trồng lúa bị thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng và thu nhập của người dân. Vì vậy, việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây khác thích ứng với biến đổi khí hậu là hướng đi cấp thiết hiện nay.
Trước thực trạng thiếu nước diễn ra ngày càng gay gắt, tỉnh Phú Yên đã xây dựng quy hoạch tổng thể và các giải pháp đầu tư các công trình khai thác nguồn nước. Theo Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn (Sở TN-MT) Trương Đình Khai, tính đến năm 2014, toàn tỉnh tập trung xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 126 công trình thủy lợi, gồm 52 hồ chứa, 10 đập dâng và 9 trạm bơm điện, tổng dung tích hữu ích các hồ chứa ứng với mực nước dâng bình thường hơn 100 triệu m3. Bên cạnh đó, để bảo vệ và phát triển nguồn nước mùa cạn kiệt, hạn chế dòng chảy vào mùa lũ, tỉnh phấn đấu đến năm 2015 nâng độ che phủ rừng lên 40%. Hiện tỉnh tập trung công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đa dạng các hình thức tái tạo rừng kết hợp phát triển lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi dưới tán rừng; kêu gọi đầu tư lĩnh vực chế biến có sử dụng nguồn nguyên liệu từ rừng trồng...
CHỦ ĐỘNG CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG
Phú Yên có 24.000ha đất trồng lúa hai vụ, sản lượng lương thực bình quân 34 vạn tấn/năm. Từ thực tế trên, tỉnh đã và đang tích cực vận động nông dân chuyển đổi tập quán chuyên canh sản xuất lúa ở các vùng thiếu nước, nhiễm mặn, nhất là đất lúa một vụ sang đa dạng trồng cây hàng năm khác đem lại hiệu quả cao. Tính từ năm 2013 đến nay, nông dân trong tỉnh mạnh dạn chuyển đổi và đăng ký chuyển đổi hơn 1.200ha đất trồng lúa một vụ thiếu nước sang các loại cây khác, trong đó riêng năm 2015 hơn 700ha. Ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, cho biết: “Theo kế hoạch, vụ hè thu năm 2015, toàn huyện sản xuất 620ha lúa. Tuy nhiên, do các hồ đập, sông suối cạn kiệt nước, nên phải cắt giảm diện tích 70ha. Đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng khô hạn sang trồng các loại cây trồng cạn sử dụng ít nước nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế. Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (Sở NN-PTNT), việc trồng lúa liên tục qua nhiều năm đã ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Khi mô hình luân canh lúa - bắp được triển khai tại một số địa phương, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi cao hơn từ 6 đến 8 triệu đồng/ha so với trồng lúa truyền thống.
Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng và triển khai các mô hình luân canh trên đất lúa khác, như mô hình lúa - dưa hấu phủ bạt, lúa - đậu - dưa, dưa - mướp đắng - dưa… đạt doanh thu từ 90 đến 150 triệu đồng/ha. Một số nơi, nông dân còn mạnh dạn chuyển đất trồng lúa thiếu nước sang trồng cỏ nuôi bò đạt doanh thu bình quân từ 36 đến 90 triệu đồng/năm. Điển hình như năm 2014, nông dân huyện Tuy An chuyển gần 200ha đất lúa không chủ động nước tưới sang trồng luân canh cây đậu xanh với rau màu đem lại doanh thu trung bình 100 triệu đồng/ha/năm; trong đó riêng cây đậu xanh đạt năng suất bình quân 1,9 tấn/ha. Với giá 26.000 đồng/kg, 1ha đậu xanh sau khi trừ chi phí, nông dân lãi hơn 32 triệu đồng. Tương tự, 79 hộ nông dân ở xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa, tham gia mô hình trồng đậu phụng giống TB25 trên diện tích 20ha cho năng suất từ 3,4 tấn đến 4,2 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, lãi 46 triệu đồng/ha… Trong đó có hộ ông Phạm Văn Thành trồng 0,5ha đậu phụng thu được 1,7 tấn, bán với giá 20.000 đồng/kg, lãi 23 triệu đồng. Hay ở xã miền núi Xuân Lâm, TX Sông Cầu, nông dân triển khai mô hình trồng bắp trên diện tích 10ha đất lúa một vụ cho năng suất hơn 16 tấn/ha, thu lãi gần 48,5 triệu đồng/ha.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết ngành Nông nghiệp đang tích cực triển khai tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, công bố các giống bắp, đậu phụng, dưa hấu, cỏ… cho năng suất cao, tạo điều kiện cho nông dân chuyển diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác thuận lợi hơn. Đồng thời triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và chính sách giảm tổn thất trong nông nghiệp…
PHƯƠNG NAM