Thứ Năm, 26/12/2024 06:02 SA
Trà Kê - ngày ấy, bây giờ
Thứ Tư, 19/08/2015 11:00 SA

Ngã ba Trà Kê, điểm giao thương của các xã miền núi ở huyện Sơn Hòa - Ảnh: A.KIỆT

Nhiều người dân Sơn Hòa vẫn nói, Trà Kê là sợi dây lịch sử nối quá khứ với hiện tại để làm nên một Sơn Hội hôm nay. Vùng đất này đang vươn mình khởi sắc.

 

TRÀ KÊ XƯA

 

Toàn xã Sơn Hội có 1.119 hộ, trong đó 561 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm hơn 54% dân số toàn xã. Trong 5 năm qua, thu nhập bình quân đầu người 17 triệu đồng/người/năm, tăng 4 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ lao động có việc làm đạt 90%. Hiện xã đạt 9/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Xã Sơn Hội phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 30 triệu đồng/người/năm đến 35 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,5%/năm và đạt xã chuẩn xây dựng nông thôn mới.

Về xã vùng cao Sơn Hội hôm nay, vẫn còn đó những di tích lịch sử như Ngục Trà Kê (còn gọi là Trại An Trí) ở thôn Tân Hội, cửa hàng thương nghiệp huyện Miền Tây, bệnh viện huyện Miền Tây ở thôn Tân Lương. Đây là những chứng tích về hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã đi qua mảnh đất này. Trong đó, Ngục Trà Kê minh chứng rõ nhất cho tinh thần đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ cách mạng trong thời gian bị cầm tù tại đây.

 

Ông Dương Văn Bình, sinh năm 1945, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hội giai đoạn 1990-2000 và 2003-2005, cho biết: Năm 1940, thực dân Pháp lập Trại An Trí ở Phú Yên, với ý nghĩa là nơi an dưỡng, nghỉ ngơi. Nhưng thực tế nơi đây đã biến thành nhà tù giam giữ những chiến sĩ cách mạng nên còn có tên gọi khác là Ngục Trà Kê. Ngục Trà Kê được xây dựng trên một đồi trọc, có nhiều cỏ tranh, xung quanh có nhiều cụm rừng, dân cư thưa thớt… Nhà ngục được làm bằng tranh tre, vách đất, xung quanh có hàng rào dây thép gai, có đường hào cắm chông tre. Ở đây thường xuyên có mặt khoảng 100 lính khố xanh để canh gác trên dưới 100 tù nhân, nhằm cách ly những đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong cả nước. Những cán bộ cách mạng kỳ cựu như Hồ Tùng Mậu, Hà Huy Giáp, Bùi Công Trừng, Trần Trí Hiền… từng bị địch bắt tập trung về đây. Không khuất phục, các đồng chí cách mạng đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi cải thiện sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe và đòi được nắm bắt thông tin qua sách báo, được học tập chính trị, văn hóa… cuối cùng buộc bọn thực dân quản ngục phải nhượng bộ. Bản lĩnh của những người cách mạng càng được tôi luyện để đến khi thoát khỏi trại giam, họ trở thành những người ưu tú phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, góp phần làm nên thắng lợi to lớn của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

 

Tồn tại 5 năm, đến tháng 3/1945, Ngục Trà Kê bị giải tán. Hiện nay, di tích này đang được xét công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

 

ĐỔI THAY TỪNG NGÀY

 

Trà Kê hôm nay đã ngút ngàn màu xanh của ruộng rẫy, Ngục Trà Kê còn lại phần cổng chào làm chứng tích. Bà Trương Thị Bích Liên, Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch UBND xã Sơn Hội, cho biết: Cùng với nhân dân trong tỉnh và cả nước, người dân xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) từng bước chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, chung tay xây dựng một Sơn Hội nông thôn mới. Sơn Hội ngày mới có cả lịch sử hào hùng và tương lai tươi sáng với Ngục Trà Kê mà còn nổi tiếng với ngã ba thương mại Trà Kê, xứng đáng là một trong những điểm quan trọng của vùng thượng đạo Phú Yên.

 

Hiện xã Sơn Hội nằm trên vùng giao nhau của ba trục đường chính là QL19c, QL25 và ĐT648. Vì vậy, đường về Sơn Hội hôm nay không còn độc đạo một tuyến đường nữa mà đã được mở ra ở cả 3 hướng, nối gần hơn xã Sơn Hội với trung tâm huyện và tỉnh. Trong lòng xã Sơn Hội, khu vực ngã ba Trà Kê cũng là điểm giao thương của nhiều xã miền núi ở huyện Sơn Hòa, trong đó chủ yếu là ba xã Sơn Hội, Cà Lúi, Phước Tân. Có lẽ vì thế, người dân ở đây gọi chợ Trà Kê là chợ ba xã. Theo ông La Văn Minh, Phó ban Thường trực xây dựng nông thôn mới xã, công trình chợ Trà Kê được đầu tư nâng cấp vào năm 2012 với kinh phí hơn 1,3 tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình 134 và 135 với 52 sạp hàng tiêu chuẩn. Hàng hóa trong chợ phong phú, từ sản phẩm nông sản phục vụ sinh hoạt hàng ngày của bà con như miếng thịt, mớ rau... đến đồ may mặc, hàng thủ công hay đồ điện hiện đại… Tuy ở miền núi nhưng chợ đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu thụ hàng hóa của người dân cả hai buổi sáng, chiều.

 

Chia sẻ về những thay đổi ở Sơn Hội, ông Dương Văn Bình cho biết thêm: Từ thời tôi còn làm bí thư xã cho tới bây giờ, sau 10 năm, Sơn Hội đã thay đổi vượt bậc. Trước, sản xuất nông nghiệp bằng cái rìu, cái rựa, nhà nào khá giả thì có thêm con bò, đời sống bà con vì thế khó khăn, 2/3 hộ dân trong xã lúc ấy đều thuộc diện hộ nghèo, Nhà nước phải hỗ trợ gạo ăn. Nay, nhiều nhà có tới 5 đến 10 con bò, máy móc được đưa vào đồng ruộng làm thay sức người, hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 18%. Giao thông tới các thôn buôn, từ chỗ toàn đường đất, đi lại khó khăn nay đường bê tông xi măng thẳng tắp, xe ôtô đi được tới tận cửa nhà. Rồi điện, trường học, thủy lợi nội đồng, nhà ở cứ dần dần kiên cố, khang trang lên. Từ sau giải phóng, có 2 điểm mốc chính làm nên sự thay đổi của Sơn Hội nói riêng và Sơn Hòa nói chung, đó là giai đoạn từ năm 2002, khi Nhà máy đường KCP Sơn Hòa được khởi công. Từ đây mở ra vùng chuyên canh cây mía, tạo điều kiện cho bà con trong xã lao động sản xuất, tiêu thụ nông sản, mang lại nguồn thu nhập ngày càng lớn. Đến hôm nay, cây mía không còn là cây thoát nghèo nữa mà đã trở thành cây làm giàu của bà con. Giai đoạn thứ 2 là năm 2011, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, từ đó hạ tầng cơ sở trong xã được đầu tư, chất lượng giáo dục và đời sống dân sinh được chăm lo, tạo ra một sự đổi thay toàn diện cho vùng nông thôn miền núi Sơn Hội.

 

Theo bà Trương Thị Bích Liên, Sơn Hội có 90% hộ dân làm nông lâm nghiệp, vì vậy công tác khuyến nông được quan tâm, hạ tầng nông nghiệp ngày càng được hoàn chỉnh phục vụ cho mục tiêu sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường. Chính quyền xã chủ trương mở rộng diện tích sản xuất gắn với đưa khoa học kỹ thuật vào ruộng rẫy thông qua trình diễn nhiều mô hình sản xuất. Hiện tổng diện tích gieo trồng của xã là 2.365ha, tăng 760ha so với năm 2010. Từ chỗ chăn nuôi gia súc gia cầm nhỏ lẻ, đến nay đã tập trung vào con bò lai, đưa tổng đàn bò hiện có trên toàn xã lên 1.392 con. Cùng với diện tích rừng trồng tăng lên, công tác quản lý và bảo vệ rừng cũng được tăng cường thông qua việc giao khoán cho các hộ gia đình. 5 năm qua, trên địa bàn xã trồng được 1.650ha rừng tập trung.

 

MINH DUYÊN - PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek