Đó là thực trạng chung mà nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt trong bối cảnh hiện nay.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, đến cuối tháng 7/2015, tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức 251 tỉ đồng, chiếm 1,88% tổng dư nợ. Nguyên nhân được xác định là do các cơ quan tư pháp như tòa án, thi hành án còn mất nhiều thời gian, chậm kê biên, cưỡng chế thi hành án, tài sản để lâu làm giảm giá trị… Bên cạnh đó, một số khách hàng còn chây ỳ, không hợp tác trong việc trả nợ vay, kéo dài thời gian làm cho tài sản bị giảm giá, lãi phát sinh… ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ của ngân hàng. |
GIẬM CHÂN TẠI CHỖ
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, từ đầu năm đến nay, mặc dù các ngân hàng thương mại trên địa bàn luôn quan tâm triển khai quyết liệt công tác xử lý nợ xấu nhưng kết quả mang lại không mấy khả quan. Ông Huỳnh Hữu Phương, Phó giám đốc Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh Phú Yên, cho biết trong những tháng đầu năm, nợ xấu của ngân hàng tăng cao, đến tháng 6/2015 chiếm khoảng 3,8% tổng dư nợ. Trong số này chủ yếu là nợ xấu của các doanh nghiệp ngành xây dựng cơ bản và ngành điều. “Mặc dù nợ xấu tăng cao nhưng khi ngân hàng tổng hợp danh sách khách hàng để bán nợ cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thì vướng một số thủ tục liên quan đến việc công chứng hợp đồng thế chấp nên chưa hoàn tất hồ sơ bán nợ”, ông Phương nói.
Còn theo ông Vi Thanh Long, Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Phú Yên, những tháng đầu năm 2015, mặc dù Sacombank Phú Yên không phát sinh nợ quá hạn nhưng việc xử lý nợ xấu từ năm 2013 đến nay thì giậm chân tại chỗ, nhất là đối với hồ sơ của hai công ty điều Thiên Tân và Duy Tân. Riêng trường hợp của khách hàng Lê Thị Ngọc Linh, sau khi xử giám đốc thẩm, tòa tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ về TAND TP Tuy Hòa vào tháng 3/2014, yêu cầu xét xử lại nhưng đến nay, tòa thành phố vẫn chưa đưa ra xử sơ thẩm. “Nợ xấu như “cục máu đông” làm nghẽn dòng chảy tín dụng. Nếu nợ xấu được xử lý rốt ráo, dòng chảy tín dụng được khơi thông thì việc cung ứng vốn vay phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn sẽ tốt hơn”, ông Long nói.
NHIỆM VỤ KHÔNG CỦA RIÊNG NGÀNH NGÂN HÀNG
Ông Đặng Quang Anh, Phó ban Nội chính Tỉnh ủy, cho rằng vấn đề xử lý nợ xấu liên quan chủ yếu đến cơ quan thi hành án dân sự và tòa án nhân dân hai cấp. Do đó, tháng 5/2015, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã làm việc với các ngành Ngân hàng, Tòa án và Thi hành án trên địa bàn tỉnh để bàn việc trao đổi các giải pháp xử lý nợ xấu. Thế nhưng đến nay, tình trạng nhiều án đã có hiệu lực thi hành nhưng bế tắc trong giai đoạn thi hành án vẫn xảy ra. Trước tình trạng này, Cục Thi hành án dân sự tỉnh cần kiểm tra, phân loại các vụ việc có điều kiện thi hành để xử lý rốt ráo. Còn Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên thì phải tổng hợp, đánh giá, thống kê những vụ việc đã đưa ra tòa xử nhưng đến nay vẫn chưa thi hành án được, báo cáo Ban Nội chính Tỉnh ủy để có biện pháp giải quyết kịp thời.
Theo ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, đơn vị này đã yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chọn các trường hợp khách hàng chây ỳ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc các vụ việc có điều kiện thi hành án với số tiền lớn, đề nghị các cơ quan thi hành án thi hành để răn đe những trường hợp khác; giúp người vay có ý thức và trách nhiệm trong việc sử dụng vốn vay ngân hàng, trả nợ đúng hạn. “Khi các cơ quan ban ngành nhận thức được rằng xử lý nợ xấu không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành Ngân hàng thì việc xử lý nợ xấu sẽ thuận lợi hơn”, ông Hàn nói.
LÊ HẢO