Thứ Sáu, 27/12/2024 07:30 SA
Hội nhập kinh tế quốc tế:
Doanh nghiệp cần liên kết để vượt biển lớn
Thứ Sáu, 14/08/2015 08:03 SA

Đến nay, Việt Nam đã ký kết 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có hai hiệp định mới ký kết là FTA Việt Nam - Hàn Quốc và FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu. Đây được xem là một bước tiến lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Trao đổi với Báo Phú Yên về những cơ hội và thách thức trong quá trình hội nhập này, PGS.TS Phạm Tất Thắng, chuyên viên cao cấp của Bộ Công thương, cho biết:

 

PGS.TS Phạm Tất Thắng - Ảnh: L.HẢO

Cùng với việc trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam còn tham gia các FTA. Đây là điều kiện thuận lợi để hàng hóa, dịch vụ, tiền vốn và công nghệ của Việt Nam dễ dàng xuất khẩu ra nước ngoài; đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp cận những yếu tố này của nước ngoài thông qua các hoạt động thương mại, dịch vụ và đầu tư. Tùy theo FTA mà các bên liên quan có thể ưu tiên lĩnh vực này hay lĩnh vực khác nhưng tựu trung, việc tham gia FTA sẽ mở ra những điều kiện thuận lợi cho quá trình đầu tư giữa các bên ký kết. Tuy nhiên, FTA chỉ tạo ra các khuôn khổ, còn việc tận dụng được lợi thế của nó phụ thuộc vào cách hành xử của các bên.

 

* Cách hành xử của các bên cụ thể là như thế nào, thưa ông?

 

- Để có thể hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đầu tiên, các cơ quan nhà nước phải tạo ra một thể chế, môi trường kinh doanh ổn định; có chính sách minh bạch, rõ ràng, dễ thực hiện và có thể hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ không trái với quy định của thế giới. Còn hiệp hội ngành nghề phải biết được lợi ích của số đông trong lĩnh vực, phạm vi hoạt động của mình để đề xuất với nhà nước ban hành những chính sách phù hợp, sau đó hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện và đứng ra bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.

 

Khi Nhà nước đã đàm phán, ký kết để đem lại những điều kiện thuận lợi, các hiệp hội ngành nghề đã hướng dẫn tận tình thì điều quan trọng còn lại phụ thuộc vào doanh nghiệp. Trước hết, doanh nghiệp phải nắm bắt được thông tin; sau đó phân tích được điểm mạnh, điểm yếu, xác định lợi thế cần phát huy để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp. Doanh nghiệp cũng phải chủ động “gõ cửa” các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, nêu lên những khó khăn và đề xuất giúp đỡ chứ không nên thụ động chờ đến lượt. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải liên kết, tạo nên sức mạnh để có thể vượt biển lớn. Chỉ khi nào các doanh nghiệp Việt Nam dám đối mặt, chấp nhận cạnh tranh thì mới có thể phát triển.

 

* Thưa ông, Việt Nam đối mặt với những thách thức và cơ hội nào khi tham gia FTA?

 

- Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam thì việc đối mặt với thách thức trong thời buổi hội nhập là không thể tránh khỏi. Trong đó, chúng ta rất dễ sa vào bẫy thu nhập trung bình thấp, trở thành bãi rác công nghệ của các nước, vấp phải tình trạng ô nhiễm môi trường, sự du nhập của nhiều động thực vật ngoại lai và cả sự lai tạp các nền văn hóa… Tuy nhiên, trong hội nhập kinh tế quốc tế, cơ hội và thách thức luôn tồn tại song song. Nếu chúng ta không tận dụng được cơ hội thì nó trở thành thách thức và ngược lại. Ví dụ như tham gia FTA, Việt Nam và các nước phải lần lượt gỡ bỏ hàng rào thuế quan. Khi thị trường mở cửa, nếu chúng ta đưa được hàng hóa ra thị trường nước ngoài và làm cho hàng hóa trong nước đủ sức cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập thì chúng ta có cơ hội, nếu không làm được thì điều đó trở thành thách thức.

 

Doanh nghiệp Phú Yên phải biết liên kết, tận dụng cơ hội từ FTA để phát triển - Ảnh: L.HẢO

 

* Trong hội nhập, Phú Yên có lợi thế của “người đi sau”. Vậy doanh nghiệp Phú Yên phải làm gì để phát huy lợi thế này?

 

- Trong quá trình phát triển kinh tế, một lợi thế rất lớn xuất hiện là lợi thế của người đi sau. Mặc dù người đi trước là người tiên phong, có thể giành được những chỗ hay, chỗ tốt nhưng lại phải trả giá, vấp váp. Hơn hết, những chỗ hay, chỗ tốt ấy chưa chắc đã mang lại lợi ích lâu dài. Vì vậy, người đi sau phải tỉnh táo để thấy người đi trước đã vấp phải cái gì để tránh, để đầu tư sang những lĩnh vực khác phát triển hơn. Thêm vào đó, những nhà đầu tư ban đầu thường ít vốn, còn những nhà đầu tư lớn sau khi đã nghe ngóng, tích lũy đủ vốn thì bây giờ mới đầu tư. Điều quan trọng là làm sao để những nhà đầu tư này biết và chọn Phú Yên làm bãi đáp lâu dài.

 

* Phú Yên có thể “đi tắt đón đầu” không, thưa ông?

- Đối với công nghệ, theo tôi, các doanh nghiệp Phú Yên nên đi thẳng vào công nghệ mới, hiện đại; đồng thời phải khai thác được công nghệ nguồn từ những quốc gia phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản chứ đừng ham công nghệ “rẻ” của Trung Quốc vì như thế, chúng ta sẽ mãi túc tắc đi sau mà thôi.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

LÊ HẢO (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek