Thứ Năm, 07/11/2024 04:29 SA
Thực hiện chính sách di dân, định canh định cư tại Phú Yên:
Ổn định cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ Bảy, 15/08/2015 07:08 SA

Từ khi tới khu tái định cư thôn Mả Vôi, xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh), đồng bào Ê Đê yên tâm lao động sản xuất, không lo mưa lũ, hạn hán - Ảnh: M.DUYÊN

Từ năm 2007 đến nay, chính sách hỗ trợ di dân, định canh định cư (ĐCĐC) cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần giúp đồng bào DTTS ở Phú Yên xóa bỏ lối sống du canh du cư, ổn định cuộc sống.

 

Nhờ chính sách di dân, ĐCĐC của Chính phủ, trên địa bàn tỉnh, nhiều khu tái định cư ở miền núi được đưa vào sử dụng, đã tạo điều kiện để các hộ dân yên tâm sản xuất, làm kinh tế. Công tác này giúp đồng bào nâng cao nhận thức rằng muốn lạc nghiệp cần phải an cư vì chỉ có an cư mới có tích lũy về cơ sở vật chất, làm nền tảng phát triển kinh tế, ổn định an ninh, chính trị, từ đó thay đổi tập quán du canh du cư. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong quy hoạch vùng, tạo ra các vùng sản xuất cây công nghiệp, vùng chuyên canh nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con. Ổn định dân cư vùng miền núi là bước đi nền tảng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng miền núi của tỉnh. (Ông Phan Hữu Đại, Trưởng ban Dân tộc tỉnh)

CHÚ TRỌNG ĐẦU TƯ HẠ TẦNG

 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, đến nay, 9 dự án ĐCĐC tập trung và xen ghép tại Phú Yên đã được triển khai, ổn định chỗ ở cho 700 hộ đồng bào DTTS. Tổng vốn đầu tư cho các dự án này là 50 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương, trong đó vốn sự nghiệp 24 tỉ đồng, vốn đầu tư phát triển 26 tỉ đồng.

 

Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Trong 5 năm qua, từ nguồn vốn Trung ương và các nguồn vốn lồng ghép khác, địa phương đã đầu tư 9,8 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, kéo điện, làm đường, xây dựng trường học tại 4 điểm ĐCĐC và 2 dự án sắp xếp bố trí lại dân cư, tại các xã Ea Bá, Ea lâm, Ea Trol, Ea Bia, Sơn Giang. Nhờ vậy, đến cuối năm 2014, 270 trong tổng số 369 hộ đồng bào DTTS thuộc diện tái định cư đã có chỗ ở ổn định. 99 hộ còn lại, gồm 66 hộ ở xã Ea Bar, 25 hộ ở xã Ea Lâm và 8 hộ đồng bào Mông di cư từ các tỉnh phía bắc vào thôn Nam Giang, xã Sơn Giang, sẽ tiếp tục được bố trí chỗ ở vào các năm tiếp theo.

 

 Huyện Sông Hinh phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện không còn tình trạng di cư tự do, đồng bào yên tâm bám làng, bám đất.

 

Tại huyện Đồng Xuân, theo ông Võ Cao Phi, Chủ tịch UBND huyện, từ nguồn vốn 11 tỉ đồng, địa phương này đã san lấp mặt bằng trên diện tích 5,4ha, giải quyết đất ở cho 114 hộ đồng bào DTTS; hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ cho 110 hộ để tự san gạt mặt bằng làm nhà ở. Đồng thời, huyện cũng hoàn thiện 379m lưới điện 0,4kv, bê tông xi măng 185m đường trục chính, 1.810m đường nội vùng, 1 phòng học mẫu giáo, 6 phòng tiểu học cùng 9 giếng nước sinh hoạt, nhằm đảm bảo cho người dân có điều kiện sinh hoạt ổn định tại các điểm ĐCĐC ở các xã Xuân Lãnh, Xuân Quang 1, Xuân Phước, Đa Lộc, Xuân Quang 2.

 

Đổi thay ở khu tái định cư Gò Đạo (thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa) - Ảnh: M.DUYÊN

 

ỔN ĐỊNH CUỘC SỐNG

 

Bắt đầu cuộc sống mới tại các điểm ĐCĐC, đồng bào có nhà kiên cố, có cơ sở hạ tầng đầy đủ phục vụ sinh hoạt, yên tâm lao động sản xuất và buôn làng ngày càng đổi thay trù phú hơn.

 

Ông Y Blao, Bí thư chi bộ buôn Mả Vôi, xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh), cho biết: Trận lũ năm 2009 khiến tất cả vùng trũng ven sông Ba bị ngập lụt, 71 gia đình người Ê Đê ở đây được di dời lên cao. Đến năm 2012, buôn tái định cư mới được xây dựng khang trang với nhà ngói, đường bê tông xi măng, nhà văn hóa, có điện lưới phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Đời sống vật chất của bà con ở đây thay đổi đáng kể với thu nhập bình quân đạt 20 triệu đồng/người/năm, cao hơn 3 triệu đồng so với năm 2012. Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào cũng được nâng lên, những tập tục lạc hậu như cưới thách, cúng bệnh… đã được xóa bỏ.

 

Thôn buôn thay đổi, tạo điều kiện cho các hộ dân yên tâm phát triển sản xuất. Ông Võ Văn Thảo ở khu tái định cư Gò Đạo (xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa), cho biết: Xóm Bến, nơi trước đây gia đình tôi sinh sống, thường xuyên bị ngập lụt nên của cải vật chất làm ra bao nhiêu cũng theo dòng nước mà đi hết, không giữ được. Đời sống người dân cũng vì thế mà khó khăn. Từ năm 2012, khu tái định cư Gò Đạo được xây dựng. Tới nơi ở mới, gia đình tôi được cấp đất, được hỗ trợ 10 triệu đồng xây nhà. Nhờ vậy, gia đình tôi đã được ở trong ngôi nhà mái ngói rộng 83m2 với nhiều tiện nghi sinh hoạt hiện đại. Điều kiện hạ tầng phục vụ sinh hoạt trong thôn cũng tốt hơn với trường cấp 1, giúp các cháu tiện đi học. Nước sinh hoạt cũng không còn lo thiếu vì ngoài giếng tập trung cách nhà 150m, nhiều hộ còn tự đào giếng. Giếng nước, trường học, nhà văn hóa… của thôn đều nằm trên trục đường chính đã được bê tông nên rất thuận tiện. Trước đây, tôi từ chỗ chỉ biết làm nông kiếm sống, nay đã có thêm nghề phụ, tăng thu nhập cho gia đình.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek