Ngày 29/7, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2015. Đồng chí Lê Văn Trúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, năm 2015, các địa phương trong tỉnh đăng ký bê tông 535km đường, đến cuối tháng 6 đã bê tông được 100km, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 25 tỉ đồng. Từ khi triển khai đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn đến nay toàn tỉnh đã thực hiện được hơn 1.000km; có 44 xã đạt tiêu chí giao thông, chiếm 50% tổng số xã trong tỉnh. Về kiên cố hóa kênh mương, đến nay các địa phương đã hoàn thành 16 trong tổng số 28km, đạt 57% kế hoạch. Công tác xóa nhà ở tạm, dột nát, hiện toàn tỉnh có 206 nhà tạm, dột nát được các xã đăng ký xóa trong năm 2015. UBND tỉnh đã phân bổ 500 triệu đồng nguồn hỗ trợ của tỉnh Hải Dương và quỹ xóa nhà tạm của tỉnh để hỗ trợ cho 35 hộ nghèo ở các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa xóa nhà tạm. Số còn lại, UBND tỉnh đề nghị UBMTTQ Việt Nam tỉnh sử dụng Quỹ Vì người nghèo và các nguồn vốn khác để tập trung hỗ trợ. Về nguồn vốn hỗ trợ, vốn trái phiếu Chính phủ trong năm 2015 đầu tư trên 17,6 tỉ đồng xây dựng 63 trường học; trên 33,4 tỉ đồng xây dựng 147 công trình văn hóa và 220 triệu đồng xây dựng một trạm y tế.
Đến nay, tỉnh đạt bình quân 11,7 tiêu chí nông thôn mới/xã, tăng 3,11 tiêu chí so với cuối năm 2013. Xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) và Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa) đạt 19 tiêu chí, trong đó xã Bình Kiến đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014. Toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2015, đạt bình quân 14,2 tiêu chí/xã trở lên; 19 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí, có từ 20 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc nhấn mạnh, để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, các xã tiếp tục rà soát bộ tiêu chí và xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm, từ năm 2016 đến 2020. Theo đó, các xã phải nêu cụ thể mỗi năm tăng bao nhiêu tiêu chí, tiêu chí nào; đồng thời lập khái toán hạng mục đầu tư ưu tiên theo thứ tự với cơ cấu nguồn vốn rõ ràng. Đối với các tiêu chí không cần nhiều nguồn lực, chính quyền địa phương vận động nhân dân thực hiện là chính. Còn đối với những tiêu chí mang tính vận dụng như chợ, cơ sở vật chất văn hóa…, các xã thực hiện theo phương châm không cắt giảm, không hạ thấp tiêu chí, không chạy theo thành tích nhưng phải xem xét hạng mục nào cần nâng cấp, tu sửa bổ sung hoàn thiện phù hợp với nhu cầu sử dụng.
LÊ TRÂM