Tuần qua, trên địa bàn tỉnh, chiều tối xuất hiện những cơn mưa rải rác, trời dịu mát, giảm bớt nắng nóng gay gắt. Mưa cũng giúp hồi sinh nhiều diện tích cây trồng trước đó thiếu nước héo úa.
RUỘNG XANH TRỞ LẠI
Gần một tuần qua, chiều nào, ông Nguyễn Văn Ngọc ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) cũng ra Đồng Thành trước nhà thăm ruộng lúa. Ông Ngọc nói: Nhờ có mưa nên ruộng có nước, tôi “thúc” phân cho lúa trổ đòng. Trước đây, ruộng khô nước, lúa úa đầu lá, đến thời kỳ bón phân đợt 3 không có nước cũng đành chịu.
Cánh đồng Núi Một thuộc thôn Thạnh Đức, trước đây khô trắng đất, nay nhờ có mưa chân ruộng ướt cộng với trạm bơm đưa nước về nên lúa xanh trở lại. Nhiều người dân tranh thủ ra ruộng nhổ cỏ, bón phân cho lúa đón đòng. Cánh đồng này lấy nước từ hồ Phú Xuân, nhưng do hồ thiếu nước, Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam (đơn vị quản lý vận hành hồ Phú Xuân) phải đặt trạm bơm dã chiến hút nước từ sông Trà Bương, nhưng không đủ nước dồn về cuối kênh. Ông Mạnh Thế Bình, một người dân làm ruộng ở đồng Núi Một, cho biết: Mấy ngày trước, vào buổi tối, tôi đội đèn pin ra đồng lấy nước nhưng không đủ. Nay nhờ có mưa cộng với nước từ trạm bơm đưa về nên cánh đồng no nước trở lại.
Tại cánh đồng Phước Hậu 1 (phường 9, TP Tuy Hòa), nhiều người dân ra đồng chăm sóc lúa. Theo ông Nguyễn Văn Toàn, một nông dân làm ruộng ở cánh đồng này, nhờ có mưa, nước trên cánh đồng xăm xắp, ông be bờ giữ nước rồi vãi phân cho cây lúa lại sức. Từ khi sạ đến nay, lúa trên 30 ngày tuổi nhưng khô nước nên ông chưa bón lứa phân nào. Còn trên cánh đồng Nhà Giàng rộng 20ha thuộc xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa), trước đây lúa héo úa, giờ đã xanh tươi trở lại. Bà Trần Thị Thu làm ruộng ở cánh đồng Nhà Giàng, phấn khởi: Mưa ướt đất nên lúa xanh trở lại. Trước đó, ruộng khô cứng, lúa héo rũ mà nản lòng. Theo ông Nguyễn Đồng Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Kiến 2, các cánh đồng Vụ 12, Cầu Sắt, thời gian qua, nắng hạn bơm nước “mót” từ các cánh đồng huyện Phú Hòa đổ về lòng kênh còn có cách để “cứu” lúa. Còn cánh đồng Nhà Giàng nằm ở giữa đồng hiện không có nguồn nước tưới, nhờ trời mưa nếu không thì mất trắng.
TRỒNG THÊM CÁC LOẠI CÂY TRỒNG CẠN
Dọc theo quốc lộ 19C, từ xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) qua xã Sơn Định rồi đến xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), hàng trăm héc ta mía, sắn trồng ở vùng gò đồi không chịu được sức nóng gay gắt nên héo rũ. Những ngày qua, mưa kéo dài mấy chiều liền, nông dân trồng xen đậu đỏ, đậu phộng, bắp trên vùng đất gò đồi trước đó trồng mía, sắn nhưng bị chết. Ông Bùi Văn Tình ở xã Sơn Phước, cho biết: Vùng gò đồi này chỉ có trồng mía nhưng nắng quá, mía không chịu nổi nên đã chết héo. Giờ mưa xuống, đất ướt, chúng tôi tận dụng trỉa bắp lấp chỗ đất trống, chứ bỏ hoang thì phí đất. Cạnh đó, đám mía của ông Trần Văn Quang rộng 0,5ha cũng được trỉa đậu đỏ lấp khoảng trống ở vùng đất trồng mía bị chết.
Theo ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, nắng hạn làm cây trồng kém phát triển. Mía đâm chồi kém, ảnh hưởng đến giai đoạn vươn lóng, dẫn đến năng suất thấp. Tranh thủ trời mưa, nông dân phá bỏ vùng mía còi cọc, kém phát triển; trỉa đậu đỏ, bắp xen lẫn vào diện tích mía bị khô hạn, chết.
TRÂM TRÂN