Với những ưu thế như chợ mới được xây dựng, cơ sở hạ tầng khang trang, tháng 4/2015, chợ phường 7 (TP Tuy Hòa) là chợ đầu tiên của tỉnh được công nhận xây dựng thành công mô hình chợ văn minh. Mô hình này đã tạo môi trường thương mại hiện đại, phục vụ tốt hơn nhu cầu trao đổi hàng hóa và tiêu dùng của người dân.
Tháng 4/2015, chợ phường 7 được UBND TP Tuy Hòa công nhận là chợ văn minh. Đây là niềm tự hào cũng là nỗ lực lớn của Ban quản lý chợ và các tiểu thương trong chợ. Chị Trần Thị Ly, tiểu thương bán quần áo thời trang tại chợ phường 7, chia sẻ: Từ khi đi vào hoạt động, Ban quản lý chợ yêu cầu tất cả ngành hàng (trừ hàng tươi sống) phải niêm yết giá rõ ràng, công khai nên chúng tôi thực hiện cụ thể. Nếu khách mua nhiều thì tôi có thể bớt từ 5.000 đến 10.000 đồng/sản phẩm. Chúng tôi luôn giữ thái độ niềm nở, lịch sự để giữ khách hàng. Còn chị Lê Thị Liễu, bán thịt heo tại chợ phường 7, nói: Tôi bán hàng ở đây đã lâu, chợ nhỏ nên toàn khách quen. Các tiểu thương ở chợ thống nhất không nói thách, không cân thiếu để tạo lòng tin nơi khách hàng. Đầu năm, Ban quản lý chợ còn đặt hai cân đối chứng ở chợ và tổ chức cho tất cả người bán hàng kiểm định toàn bộ cân nên cũng chẳng ai dám bán thiếu cho khách.
Theo nhiều người tiêu dùng, chợ phường 7 là nơi mua bán văn minh, lịch sự. Các khu vực trong chợ được bài trí sạch sẽ, thuận tiện. Anh Bùi Đình Tuân ở phường 9, TP Tuy Hòa, cho biết: Tôi làm việc ở phường 7 nên đi chợ này mua thức ăn, vật dụng cần thiết. Là đàn ông rất ít đi chợ nhưng khi mua hàng ở chợ phường 7, tôi rất yên tâm vì không sợ mua đắt, cân thiếu. Các chị bán hàng ở đây cũng vui vẻ, cởi mở nên tôi mua hàng rất dễ dàng. Còn bạn Lê Thị Anh, sinh viên Trường đại học Phú Yên, chia sẻ: Em ở trọ gần đây nên hầu như ngày nào cũng đi chợ phường 7. Ở đây, em có thể mua quần áo, giày dép, túi xách đến thức ăn hàng ngày.
Theo ông Lê Khắc Sinh, Trưởng ban Quản lý chợ phường 7, chợ này được đưa vào sử dụng khoảng 3 năm. Chợ phường 7 có diện tích 1,3ha với hơn 300 gian hàng kinh doanh các mặt hàng quần áo, giày dép thời trang, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình, hàng khô, thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, dịch vụ ăn uống, giải khát… Chợ mới được xây dựng nên cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ; các gian hàng được bố trí hợp lý, thuận lợi cho việc mua bán. Bên cạnh đó, Ban quản lý chợ đã chủ trương xây dựng hình ảnh chợ văn minh, thân thiện nên luôn yêu cầu các tiểu thương chấp hành nghiêm các quy định về chất lượng hàng hóa, niêm yết giá, văn hóa giao tiếp khách hàng, vệ sinh an toàn thực phẩm… Các tiêu chuẩn chợ văn minh được xét hàng năm nên Ban quản lý chợ sẽ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương nhằm giữ vững hình ảnh chợ văn minh, hiện đại.
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết, trong năm 2015, Sở Công thương đặt ra mục tiêu toàn tỉnh có từ một đến hai chợ văn minh. Việc xây dựng chợ văn minh giúp công tác quản lý hoạt động của các chợ trên địa bàn tỉnh dần đi vào nề nếp, đạt chuẩn văn minh để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và tiêu dùng của nhân dân.
Theo Sở Công thương, để đạt chuẩn chợ văn minh phải là các chợ hạng 1, hạng 2 và hạng 3 được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố. Trong đó, các chợ hạng 3 nằm ở trung tâm xã, các cụm xã gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương đó. Chợ văn minh phải đạt đủ 25 tiêu chuẩn được UBND tỉnh quy định, chia làm 4 nhóm: nhóm tiêu chuẩn về tổ chức, quản lý chợ; nhóm tiêu chuẩn đối với các hộ kinh doanh tại chợ; nhóm tiêu chuẩn đối với quầy sạp trưng bày hàng hóa và nhóm tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh chợ. Các chợ đạt từ 90 đến 100/100 điểm mới đạt tiêu chuẩn chợ văn minh. Đối với chợ do Nhà nước đầu tư xây dựng, khi được công nhận chợ văn minh sẽ được trích 10% tổng số phí đầu tư xây dựng chợ để duy trì các tiêu chuẩn chợ văn minh. |
NGÔ XUÂN