Niên vụ 2006- 2007, xã Sơn Phước đã đưa diện tích trồng mía lên 1.880 ha, gấp hơn hai lần so với vụ trước và trở thành xã có diện tích mía dẫn đầu huyện Sơn Hòa. Song để vùng nguyên liệu mía này phát triển vững chắc thì cần phải được đầu tư thích đáng hơn nữa.
Sơn Phước đang thiếu lao động để thu hoạch bốc xếp mía đưa về nhà máy đường KCP – Sơn Hòa – Ảnh: NGUYÊN TRƯỜNG |
Vụ mía 2006- 2007 ở huyện miền núi Sơn Hòa hiện nay đã thu hoạch sắp hết, song ở xã Sơn Phước, mía vẫn còn khá nhiều. Những ngày vừa qua, do trời mưa, xe không thể vào ruộng mía để thu mua nên mía chất thành đống tại ruộng. Nhiều bà con than thở: “Đầu vụ, công chặt mía chỉ 50.000 đồng/tấn, nay lên 70- 80.000 đồng/tấn mà tìm không ra công, giờ lại tốn thêm chi phí bốc mía ra đường nữa”. Chỉ trong năm qua, Sơn Phước đã đưa diện tích mía từ 850 ha lên 1.880 ha, vượt qua cả những xã được xem là “trọng điểm” mía lâu nay của huyện như Sơn Nguyên, Sơn Hà.
Sở dĩ, diện tích vụ mía 2006-2007 ở Sơn Phước tăng đột biến là do Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt
Ông Văn Phú Lộc, Trưởng trạm nguyên liệu số 6 cho biết: Đến giữa tháng 6, Sơn Phước đã bán cho Nhà máy đường KCP hơn 69.000 tấn mía cây trên diện tích thu hoạch gần 1.300 ha, năng suất bình quân 53 tấn/ha, cao hơn 3 tấn/ha so với bình quân toàn huyện. Đặc biệt, gia đình ông Trương Văn Hoàn ở thôn Tân Bình trồng mới 3 ha mía vừa thu hoạch xong, đạt năng suất 90 tấn/ha, với giá trị 34,6 triệu đồng/ha, lãi ròng không dưới 15 triệu đồng/ha.
Ông Trần Đình Trường nhận đầu tư của Nhà máy KCP Sơn Hoà mở rộng diện tích mía từ 6 ha lên 11 ha bằng giống R 579, tuy thu hoạch chưa xong nhưng rất lạc quan bảo: “Với ngần ấy diện tích mía, vụ này tôi sẽ thu trên 1.000 tấn, lãi trên 200 triệu đồng.”
Ông Sô Minh Lộc cho biết, cây mía đang là nguồn thu nhập chính của nhiều người dân. Vào vụ thu hoạch, bên cạnh người trồng mía người không trồng mía cũng có thu nhập nhờ tham gia chặt mía, nhờ vậy mà đời sống nhân dân ổn định hơn mọi năm. Tuy giá mía năm nay giảm nhưng người trồng mía vẫn có lãi nhờ năng suất. Có được kết quả này là nhờ có sự đầu tư thay giống mới, nhờ thời tiết thuận lợi, có mưa rải đều trong năm. Ông Lộc băn khoăn: Nếu trong các niên vụ sau lỡ nắng hạn kéo dài, giá mía giảm mà năng suất không tăng thì Sơn Phước khó có thể giữ được diện tích mía như hiện nay. Ngoài ra, việc thu hoạch, vận chuyển mía ở đây còn có những khó khăn, vì hệ thống giao thông trong vùng mía này còn nhiều bất cập cần được quy hoạch lại và đầu tư cải tạo, nâng cấp.
Sơn Phước là vùng mía mới phát triển mạnh gần đây, toàn bộ diện tích đều được Nhà máy đường KCP Sơn Hoà hợp đồng đầu tư và tiêu thụ sản phẩm nên đầu ra ổn định, đây là một trong những thuận lợi để người dân yên tâm phát triển cây mía. Điều mong muốn lớn nhất của bà con hiện nay đó là cần được sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp, ngành trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật để cây mía cho năng suất cao. Một khi vấn đề thu nhập được duy trì ổn định thì người dân sẽ gắn bó với mô hình làm ăn mới này.
NGUYÊN TRƯỜNG